Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: quochoi.vn) |
Ngày 14/4, tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng, đã trình dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau khi có Nghị quyết 42, phần xử lý nợ xấu thu hồi do khách hàng tự trả nợ tăng lên nhiều so với trước, khoảng 40%.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, cho biết, riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700 nghìn tỷ, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến nợ phát sinh liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đến trái phiếu của doanh nghiệp, mà ngân hàng là trái chủ (người mua trái phiếu)...
Liên quan đến vụ việc của tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh, Trưởng ban Công tác đại biểu - Nguyễn Thị Thanh, cho biết cử tri băn khoăn việc xử lý vi phạm tại các tập đoàn tư nhân lớn như FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng tới xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không?.
Bà cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, bà đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh, như ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất ổn chính trị thế giới, hay số lượng lớn khách hàng có dư nợ lớn... Các kịch bản này, theo bà, để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ, phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thời gian tới.
Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Lê Tấn Tới, đã đánh giá sâu và cụ thể hơn việc xuất hiện các loại tội phạm cho vay nặng lãi, tội phạm xã hội đen trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 42, đặc biệt là xuất hiện những loại tội phạm mới sau khi thực hiện Nghị quyết 42 như thế nào.
Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cố gắng ở mức cao nhất nghiên cứu quy định luật hoá xử lý nợ xấu nhưng do liên quan tới các khoản nợ, tiền, nên quá trình xây dựng chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Và thời gian để luật hoá các quy định thường mất 2-3 kỳ họp Quốc hội.
"Ngân hàng Nhà nước mong kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết 15/8/2024) trong thời gian chờ luật hoá các quy định xử lý nợ xấu", bà Hồng nêu.
Tuy vậy, kết luận phiên họp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 tới hết năm 2023, không mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 và hồ sơ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chi-keo-dai-thoi-gian-xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-42-den-het-nam-2023-a129588.html