Thiệt hại kinh tế của Nga, Ukraine sau gần hai tháng chiến sự

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".

"Kinh tế Ukraine được dự báo giảm khoảng 45,1% trong năm nay. Mức độ suy giảm thực tế sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến sự kéo dài bao lâu và khốc liệt đến mức nào", Ngân hàng Thế giới (WB) nêu đánh giá tác động kinh tế của chiến sự Ukraine trong báo cáo ngày 10/4.

Các chuyên gia WB nhận định tương lai nền kinh tế Ukraine vẫn rất mơ hồ do cục diện chiến sự chưa rõ ràng, khi các cuộc đàm phán hòa bình không đạt tiến triển và hai bên đang dồn lực lượng tới Donbass, miền đông Ukraine, chuẩn bị cho trận chiến mang tính quyết định.

Anna Bjerde, phó chủ tịch WB chuyên trách khu vực châu Âu và Trung Á, cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine "đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế Ukraine" và hệ thống hạ tầng nước này chịu thiệt hại rất lớn.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cuối tháng 3 cho hay cuộc chiến đã khiến nước này thiệt hại đến 564,9 tỷ USD, nếu tính cả thất thu về thương mại và kinh doanh.

Một tòa nhà chính quyền sau cuộc không kích ở thành phố Mykolaiv, phía nam Ukraine ngày 28/3. Ảnh: AFP

Một tòa nhà chính quyền sau cuộc không kích ở thành phố Mykolaiv, phía nam Ukraine ngày 28/3. Ảnh: AFP

Theo Bộ trưởng Svyrydenko, số tài sản công thuộc nhóm hạ tầng, gồm đường bộ, đường sắt và sân bay, trị giá khoảng 119 tỷ USD đã bị phá hủy trong xung đột, trong khi thiệt hại với tài sản tư nhân, trong đó có nhà dân, là khoảng 90,5 tỷ USD. GDP năm 2022 của Ukraine mất khoảng 112 tỷ USD do chiến sự, giảm hơn 55% so với năm ngoái.

Ngân sách Ukraine còn mất khoảng 48 tỷ USD tiền thuế, gần một nửa mức thu kỳ vọng cho năm 2022 trước khi chiến sự nổ ra. Khoảng 54 tỷ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã không thể đến được Ukraine từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự.

Ước tính độc lập của Trường Kinh tế Kiev (KSE) cũng cho rằng Ukraine thiệt hại khoảng 600 tỷ USD trong hơn một tháng chiến sự, gấp ba lần GDP nước này trong năm 2021.

"Ukraine sẽ cần rất nhiều hỗ trợ tài chính ngay lập tức để duy trì nền kinh tế lẫn đảm bảo giúp đỡ những công dân đang sống trong tình trạng vô cùng nguy cấp", Bjerde, phó chủ tịch WB, nhấn mạnh.

Chiến dịch quân sự cũng khiến Nga hứng chịu một số thiệt hại kinh tế, chủ yếu do loạt lệnh trừng phạt tài chính và thương mại mà phương Tây áp đặt đối với các ngân hàng và nhất là lĩnh vực năng lượng của nước này. Tuy nhiên, tác động từ các lệnh trừng phạt này đối với kinh tế Nga được cho là không lớn trong ngắn hạn.

Nhà Trắng ngày 8/3 ra lệnh cấm nhập khẩu mọi sản phẩm dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng lệnh trừng phạt này trên thực tế không được áp dụng ngay lập tức, mà có "khoảng thở" cho Moskva. Giới chức Washington tiết lộ các công ty Mỹ có ít nhất 45 ngày để giảm dần các hợp đồng năng lượng còn hiệu lực với Nga trước khi chấm dứt hoàn toàn.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tiếp tục nhập khoảng 25% nhu cầu dầu mỏ và 40% khí đốt từ Nga hơn một tháng qua. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính EU trả cho Nga khoảng 400 triệu USD/ngày cho khí đốt và 700 triệu USD/ngày cho dầu mỏ.

Dù EU gần đây quyết định cấm nhập khẩu than đá Nga, khối 27 nước châu Âu vẫn đặt thời hạn 3 tháng để các thành viên tìm nhà cung cấp mới. Doanh thu của Nga từ bán than đá sang châu Âu khoảng 8 tỷ USD/năm, không đáng kể nếu so với dầu mỏ và khí đốt, theo Al Jazeera.

"Chừng nào Nga còn khả năng tiếp tục bán dầu và khí đốt, chính phủ Nga vẫn có nền tảng tài chính vững chắc. Đây là lỗ hổng rất lớn trên bức tường trừng phạt của phương Tây", Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) tại Mỹ, nhận định.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga, vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga, vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế của Nga về dài hạn lại là câu chuyện khác. WB dự báo loạt lệnh trừng phạt "chưa từng có tiền lệ" từ Mỹ, châu Âu và đồng minh có thể đẩy nền kinh tế Nga vào "suy thoái sâu". Dù vậy, cơ quan này không mô tả chi tiết hệ quả kinh tế mà Nga phải gánh chịu từ chiến dịch quân sự tại Ukraine, ngoài dự báo GDP năm 2022 của Moskva sẽ giảm khoảng 11,2%.

Ở khía cạnh tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga rơi vào tình trạng có tiền nhưng không huy động được, do khoảng 315 tỷ USD dự trữ ngoại hối ký gửi ở các ngân hàng nước ngoài đang bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khối lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ bị đóng băng đang gây khó khăn cho hoạt động trả nợ nước ngoài của Nga. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P 500 ngày 8/4 tuyên bố xếp Nga vào nhóm vỡ nợ vì 4 ngày trước đó trả bằng ruble cho các khoản nợ vốn phát hành bằng USD.

Tuy Moskva có thời gian ân hạn 30 ngày, S&P cho biết họ không kỳ vọng Nga kịp đổi số ruble trên sang USD do vướng lệnh trừng phạt, trong đó có quyết định loại Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Bộ Tài chính Mỹ ngăn Nga tiếp cận dự trữ ngoại hối trong các ngân hàng Mỹ nhằm gia tăng sức ép tài chính với Moskva. Ngân hàng JPMorgan ước tính Nga còn nợ bằng ngoại tệ khoảng 40 tỷ USD trong năm nay, với một nửa số này do các nhà đầu tư nước ngoài nắm.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tự tin lưới trừng phạt quốc tế đang bủa vây Nga sẽ phát huy hiệu quả trong vài tháng tới. Nhà Trắng trong thông cáo tuần trước nhận định Nga "chắc chắn sẽ đánh mất vị thế của một nền kinh tế lớn và rơi vào tình trạng cô lập kinh tế, tài chính, công nghệ kéo dài".

Những đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây cần bao nhiêu thời gian để gây tác động mạnh tới Nga cũng là vấn đề gây tranh cãi. Theo cựu quan chức tình báo Mỹ Gerard DePippo, loạt trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga đã đạt quy mô chưa từng thấy từ sau Thế chiến II, do đó khó ai lường trước hết tác động kinh tế đối với Moskva lẫn thế giới.

Benn Steil, chuyên gia kinh tế quốc tế cho tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), đánh giá những gói trừng phạt Nga trong hơn một tháng qua còn hạn chế do phương Tây muốn giảm thiểu tác động ngược lên chính nền kinh tế của họ. Ông đánh giá Mỹ cùng đồng minh đã đến lúc phải chấp nhận "chịu đau" để tăng sức nặng cho những đòn đánh tiếp theo, đặc biệt là bịt lỗ hổng về dầu mỏ và khí đốt trên bức tường trừng phạt Nga.

"Mỹ và châu Âu có lẽ đã chạm tới giới hạn và không còn những lựa chọn dễ dàng hay phương án tức thời để tăng sức ép với Nga", Clayton Allen, giám đốc văn phòng Mỹ của hãng tư vấn chính sách Eurasia Group, cảnh báo.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thiet-hai-kinh-te-cua-nga-ukraine-sau-gan-hai-thang-chien-su-a129917.html