Cho đến nay, phần lớn thông tin mà Mỹ thu thập được đều chia sẻ với Ukraine, còn một số khác thì không. Quyết định chia sẻ hay không phụ thuộc vào việc bảo vệ các nguồn tin và phương pháp tình báo, cũng như cố gắng hạn chế nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga - một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, theo AP.
Quyết định mở rộng thông tin tình báo
Tuần trước, Mỹ đưa ra sự thay đổi mới nhất khi loại bỏ quy định hạn chế việc chia sẻ thông tin ở một số khu vực địa lý của Ukraine. Những thông tin này thường được dùng để đưa ra những quyết định nhanh chóng trên chiến trường.
Cụ thể, các quan chức không còn dè chừng trong việc tiết lộ thông tin về vị trí cụ thể của mục tiêu tiềm năng ở các khu vực phía đông Ukraine.
Những thay đổi với quy tắc tình báo đồng thời phản ánh thay đổi trong tính toán của Mỹ về những hành động có thể gây leo thang căng thẳng. Ngoài ra, Washington cũng đang cố gắng tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Trong tuần qua, Nhà Trắng công bố cung cấp gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, gồm nhiều vũ khí hạng nặng như trực thăng tấn công, pháo tầm xa.
Các gia đình chờ lên tàu ở thành phố Kramatorsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP. |
Một số nguồn tin thân cận cho biết không ít bên vẫn mơ hồ về các giới hạn mới. Một câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có trì hoãn cung cấp, hoặc giới hạn thông tin, về mục tiêu tiềm năng của Nga ở một số khu vực, như bán đảo Crimea hoặc một số vùng của Donbas, hay không..
Chỉ thị này vẫn giới hạn thông tin được cung cấp cho Kyiv về các lực lượng ở Nga hoặc nước láng giềng Belarus, nơi lính Nga tiến về phía bắc Ukraine.
“Chúng tôi đang tăng cường chia sẻ thông tin tình báo kịp thời với Ukraine để giúp họ tự vệ trên khắp đất nước của mình, bao gồm cả những khu vực do Nga kiểm soát trước chiến sự”, một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết.
Một quan chức Mỹ giấu tên khác cũng chia sẻ rằng chính quyền Mỹ đang “cung cấp thông tin tình báo chi tiết, kịp thời cho Ukraine trên nhiều mặt trận”.
Sự chia rẽ trong nội bộ
Các đảng viên Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện vào tuần qua gửi thư cho Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Avril Haines để thúc giục "chủ động chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine để giúp họ tự vệ, phòng thủ và giành lại từng tấc đất, bao gồm Crimea và Donbas".
Các thượng nghị sĩ cho biết họ “vẫn quan ngại sâu sắc rằng việc chia sẻ thông tin tình báo quan trọng sẽ không đủ để hỗ trợ Ukraine”, khi lực lượng Nga dồn quân về miền Đông và miền Nam đất nước.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ đã không ký bức thư trong tuần này. Điều đó phản ánh rõ sự chia rẽ của các nhà lập pháp.
Nhà Trắng khẳng định họ đang cung cấp thông tin phù hợp với các mục tiêu hiện tại của Ukraine.
Giới phân tích cho rằng trọng tâm của “chiến dịch quân sự” đang được chuyển sang phía đông và nam Ukraine. Một tâm điểm dự kiến là thành phố cảng chiến lược Mariupol.
Ngoài khả năng tình báo của riêng mình, Ukraine còn dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây để giúp họ lập kế hoạch và đẩy lùi các cuộc tấn công. Trước và trong xung đột, Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến kế hoạch chiến đấu của Nga cả công khai lẫn bí mật cho Ukraine.
Hạ nghị sĩ Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đánh giá Nhà Trắng đang "ém" lại một số thông tin tình báo được cập nhật theo thời gian thực, bởi chúng có thể khiến Mỹ "vượt qua ranh giới để trở thành một bên tham chiến".
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Ben Sasse từng cáo buộc Nhà Trắng trì hoãn thông tin tình báo do “các quy trình được luật lệ hóa quá mức”.
Giới chức Mỹ cho biết chỉ thị này được thay đổi nhằm hạn chế sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin tình báo. Theo một quan chức tình báo, động thái này nhằm giúp các sĩ quan Mỹ hợp tác nhanh và hiệu quả hơn với Ukraine.
Trước câu hỏi của Thượng nghĩ sĩ Tom Cotton về việc liệu Mỹ có cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine để thực hiện chiến dịch ở Crimea hoặc Donbas, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết "bản hướng dẫn hiện tại chưa quy dịnh rõ ràng về vấn đề này".
Tuy nhiên, "chúng tôi sẽ đảm bảo bản cập nhật được công bố hôm nay sẽ giúp lực lượng Mỹ hiểu rõ chỉ thị", ông cho biết.
Hạ nghị sĩ Ohio Mike Turner, đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, vào cuối tháng trước đã hỏi tướng Tod Wolters, Tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu, về việc liệu ông có hài lòng với tốc độ thông tin đến Ukraine hay không.
“Tôi muốn quá trình đó diễn ra nhanh hơn”, ông Wolters đáp.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/the-kho-cua-my-khi-chia-se-thong-tin-tinh-bao-voi-ukraine-a130337.html