Dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận của NovaLand

Kết thúc năm tài chính 2021, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NovaLand đạt 5.086 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có nhiều dấu hỏi xoay quanh chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa

Bí quyết hạch toán lợi nhuận từ “mua rẻ”

Mặc dù lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 đạt 6.135 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ, nhưng chi phí bán hàng và chi phí tài chính trong năm của NovaLand tăng mạnh, kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 34% xuống còn 3.311 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 2 thương vụ M&A trong năm 2021 đã đem lại khoản lợi nhuận đáng kể cho NovaLand bằng một kỹ thuật kế toán mang tên: Lãi từ giao dịch mua rẻ (hay bất lợi thương mại). 

Thương vụ thứ nhất: Ngày 30/06/2021, NovaLand đã hoàn tất mua 99,98% lợi ích vốn chủ sở hữu của Công ty CP Nova Final Solution với giá 5.589 tỷ đồng, từ đó đồng kiểm soát Công ty TNHH BĐS Đăng Khánh và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Mũi Né.

Với việc đánh giá giá trị tài sản thuần của Final Solution là 7.315 tỷ đồng, sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông thiểu số (chiếm 0,02% lợi ích), phần chênh lệch từ mua rẻ doanh nghiệp được NovaLand hạch toán lập tức vào lợi nhuận lên tới 1.670 tỷ đồng.

Thương vụ thứ hai: Đến 31/12/2021, NovaLand hoàn tất mua nhóm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity, Công ty TNHH Du lịch Bình An, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Lake, Công ty CP Hoàn Vũ, thông qua nắm quyền kiểm soát 99,98% vốn chủ Unity với giá 2.149 tỷ đồng.

Với thương vụ này, NovaLand hạch toán lợi nhuận 583 tỷ đồng vào báo cáo kinh doanh trong kỳ.

Chỉ với 2 thương vụ M&A đã đem về cho NovaLand 2.253 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021, chiếm đến 44% tổng lợi nhuận kế toán trước thuế doanh nghiệp.

 

Sự trùng hợp...

Tuy nhiêu, nhiều nhà đầu tư đang hoài nghi chất lượng lợi nhuận của những thương vụ M&A này, đồng thời cho rằng việc xác định giá trị tài sản thuần của các công ty mục tiêu như Final Solution hay Unity có thể chưa đủ tin cậy. Bởi lẽ, đây đều là những doanh nghiệp “quen mặt” trong hệ sinh thái của Nova Group.

Công ty CP Nova Final Solution được thành lập vào ngày 19/9/2016, vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 50 triệu đồng với cơ cấu cổ đông gồm: Trần Cẩm Hùng (1%), Phạm Thị Trúc Linh (1%) và Huỳnh Thị Thanh Nguyên (98%). Năm 2018, vốn điều lệ công ty tăng lên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17/02/2021, vốn điều lệ của công ty tăng sốc từ 20 tỷ đồng lên 3.586 tỷ đồng, tương đương mức tăng 178 lần.

Tháng 7/2021, công ty có tân Chủ tịch HĐQT là ông Bùi Đạt Chương (SN 1962) – em trai ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NovaLand.

Ngay từ khi thành lập, doanh nghiệp này đã có sự liên hệ nhất định tới NovaLand khi trụ sở chính công ty đặt tại số 315 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP.HCM – đây cũng là đại bản doanh của nhiều pháp nhân khác trong hệ sinh thái Nova Group.

Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity cũng được thành lập cùng ngày 19/9/2016 với tên gọi ban đầu là Công ty CP Nova Hospitality, vốn điều lệ vỏn vẹn 50 triệu đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Huỳnh Văn Phước (1%), Huỳnh Thị Thanh Nguyên (1%) và Phạm Thị Trúc Linh (98%).

Không có gì ngạc nhiên khi trụ sở công ty cũng được đặt tại số 315 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP.HCM.

Đến tháng 5/2021, Unity cũng tăng “sốc” vốn điều lệ lên 2.150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông chuyển sang 3 cá nhân gồm: Huỳnh Văn Phước (0,012%), Nguyễn Quốc Hiển (99,976%), Lê Thị Hồng Xuân (0,012%).

Ông Nguyễn Quốc Hiển từng là cựu cổ đông nắm 0,01% vốn Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức trước khi công ty này về tay NovaLand hồi năm 2017. Ngoài ra, tính đến tháng 5/2020, ông Hiển còn nắm 95,556% vốn Công ty TNHH BĐS Vĩnh Xuân – mắt xích khác liên hệ tới NovaLand.

Điều trùng hợp là cổ đông sáng lập của Nova Final Solution là bà Huỳnh Thị Thanh Nguyên cũng đồng thời là cổ đông sáng lập của Unity.

Ngoài ra, Unity đang thế chấp toàn bộ phần góp vốn tại công ty TNHH Du lịch Bình An, tương đương gần 297 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - chi nhánh Sài Gòn từ thời điểm cuối năm 2021.

Những sự trùng hợp kể trên đang đặt dấu hỏi về chất lượng tài sản và dòng tiền của NovaLand. Bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp này có thể đang sử dụng các SPEs (công ty có mục đích đặc biệt) như 1 thủ thuật hiệu quả để đảo tiền.

Theo Thông tư 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, lãi từ giao dịch mua rẻ được xác định là chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ (thời điểm công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát công ty con).

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-hoi-ve-chat-luong-loi-nhuan-cua-novaland-a130445.html