“Gieo neo” vì ga C9
Dự án tuyến ĐSĐT số 2 của TP Hà Nội có lộ trình: Sân bay Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối Sân bay Nội Bài với trung tâm TP và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND TP phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh dự án tại Công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016.
Điều đáng nói là hầu hết mọi hạng mục của tuyến ĐSĐT số 2 như: Depot, nhà ga… đã sớm được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Dự án chỉ vướng mắc lớn nhất về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, theo phương án ban đầu, được đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Tháng 3/2018, UBND TP Hà Nội còn tổ chức trưng bày công khai và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân về Quy hoạch ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và được hơn 90% người tham quan cũng như đa phần chuyên gia, nhà khoa học đồng tình, ủng hộ.
Theo phương án 1 được TP Hà Nội lựa chọn điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II. Tuy nhiên, phương án này lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Những tưởng dự án sẽ suôn sẻ và sớm ngày khởi công, nhưng từ năm 2017, Bộ VHTT&DL lại có yêu cầu điều chỉnh vị trí ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm. Rất nhiều chuyên gia thắc mắc, vì sao suốt một quá trình hàng chục năm Bộ VHTT&DL không yêu cầu điều chỉnh, đồng thuận với các phương án đề xuất về cả vị trí, hướng tuyến… mà đến năm 2017 lại có động thái này? Hậu quả là Quy hoạch vị trí ga ngầm C9 nói riêng và Dự án tuyến ĐSĐT số 2 nói chung tiếp tục nằm… trên giấy. Những vướng mắc kéo dài quá lâu đã buộc Hà Nội phải tiếp tục nghiên cứu, tìm phương án thay đổi. Cuối cùng, sau 14 năm kể từ khi khởi động, nút thắt lớn nhất của Dự án là nhà ga C9 mới có phương án dịch chuyển ra ngoài vùng bảo vệ II quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ: “Kiểu làm ĐSĐT chỉ vì vị trí một nhà ga mà cả Dự án lay lắt kéo dài hàng thập kỷ chỉ có ở Hà Nội mà thôi. Tôi cho rằng, quan điểm không thống nhất, thay đổi bất thường giữa các giai đoạn của cơ chế, chính sách mới là điểm trì trệ nhất tại các dự án ĐSĐT”.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cũng cho rằng, việc thay đổi vị trí ga C9 có ý nghĩa như một giải pháp tình thế hơn là sự điều chỉnh xác đáng. Bởi di chuyển vị trí nhà ga sẽ không tối ưu cho toàn tuyến, hơn nữa còn đội vốn hàng trăm tỷ đồng.
Thiệt hại đổ lên vai ai?
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho hay, phương án di chuyển nhà ga C9 vừa được thống nhất lựa chọn, trình các cấp có thẩm quyền xem xét đã được nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo về kỹ thuật, tính khả, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, đảm bảo cảnh quan, môi trường và sinh thái khu vực di tích. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những thiệt hại do chậm tiến độ tới 14 năm; và hàng trăm, có thể là hàng nghìn tỷ đồng phải chi thêm cho Dự án đổ lên vai người dân thì chưa được Hà Nội giải thích thấu đáo.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Xây dựng), Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính phân tích, việc dịch chuyển ga C9 theo phương án mới sẽ cần điều chỉnh hướng tuyến, quy hoạch, trong đó có nội dung đòi hỏi thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, dễ khiến dự án đang chậm trễ mất thêm thời gian chờ đợi. Như vậy là sau 14 năm, Dự án ĐSĐT Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ còn tiếp tục phải chờ thêm vài năm nữa.
Mặt khác, Chủ đầu tư sẽ cần thuê tư vấn thiết kế lại chi tiết nhà ga C9, bổ sung nguồn vốn. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 - C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án cũ khoảng 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng, nếu phát sinh vấn đề kỹ thuật cần xử lý sẽ tốn thêm không biết bao nhiêu tiền và thời gian nữa.
Ngoài ra, Dự án sẽ còn phải tính toán đến khoản đội vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng bổ sung theo phương án mới. Cùng với đó là những khó khăn khôn lường do khiếu kiện, không đồng thuận trong quá trình giải phóng mặt bằng có thể phát sinh, tương tự như biết bao dự án giao thông khác của Hà Nội đã vấp phải.
Thực tế là quy hoạch vị trí của ga ngầm C9 đã được UBND TP Hà Nội, các chuyên gia tư vấn và Ban Quản lý ĐSĐT đã đề xuất lên Bộ VHTT&DL từ hơn 10 năm trước. Ban đầu, Bộ VHTT&DL đã đồng ý với tất cả các đề xuất về vị trí hướng tuyến (năm 2008), vị trí ga (năm 2010), vị trí công trình phụ trợ (năm 2015), cuối cùng là vị trí các cửa lên xuống (năm 2017). Sau đó Bộ này lại yêu cầu Hà Nội xem xét lại vị trí ga C9.
Các cấp chức năng của TP Hà Nội cũng cho thấy sự bỡ ngỡ, thiếu quyết liệt của mình khi mãi loay hoay với một điểm nghẽn của Dự án, không thay đổi sớm để tránh chậm tiến độ, cũng chẳng kiên trì quan điểm ban đầu để giữ nguyên vị trí ga C9. Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nói: “Làm việc kiểu “đẽo cày giữa đường” như vậy, không biết sau này còn thay đổi gì nữa không? Các dự án ĐSĐT chậm tiến độ ngày nào, Hà Nội sẽ khổ sở với ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày đó”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần sớm kết thúc những bùng nhùng xung quanh dự án tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đưa ra lựa chọn tối ưu, tránh tốn kém, lãng phí tối đa cho ngân sách Nhà nước.
Tuyến ĐSĐT số 2 có điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Theo phương án đã được phê duyệt, toàn tuyến dài 11,5 km. Trong đó đoạn trên cao (từ ga C1 C3) dài 2,6 km; đoạn ngầm (từ ga C4-C10) dài gần 8,9 km.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tuyen-duong-sat-do-thi-nam-thang-long-tran-hung-dao-loay-hoay-14-nam-lai-doi-von-a130651.html