Chiến tranh khiến cả WB và IMF cùng bi quan về kinh tế toàn cầu

WB đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay gần 1 điểm phần trăm, còn 3,1% từ mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó...

Một khu vực ở Kiev, Ukraine bị phá huỷ bởi chiến tranh - Ảnh: Reuters.
Một khu vực ở Kiev, Ukraine bị phá huỷ bởi chiến tranh - Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Thế giới (WB) mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể hành động tương tự.

Cùng với đó, giới chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những đánh giá kém tươi sáng về triển vọng nền kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới.

WB HẠ MẠNH TRIỂN VỌNG KINH TẾ TOÀN CẦU

Trong một cuộc trao đổi với báo giới ngày 18/4, Chủ tịch WB David Malpass cho biết định chế này đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay gần 1 điểm phần trăm, còn 3,1% từ mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó. Nguyên nhân dẫn tới động thái này của WB là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine.

Theo ông Malpass, khu vực có triển vọng tăng trưởng bị cắt giảm mạnh nhất là châu Âu và Trung Á, nới có Ukraine, Nga và các quốc gia xung quanh. WB cho rằng nền kinh tế khu vực này có thể suy giảm 4,1% trong năm nay. Trong đó, cách đây hơn một tuần, WB đã dự báo kinh tế Ukraine sẽ giảm 45,1% và kinh tế Nga sẽ giảm 11,2% trong năm nay.

"Triển vọng cũng cắt giảm đối với các nền kinh tế phát triển và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác do giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng vọt vì các gián đoạn nguồn cung liên quan đến chiến tranh", ông Malpass cho hay.

Cũng tại cuộc họp báo này, ông Malpass nói rằng WB đang đề xuất một kế hoạch ngân sách 170 tỷ USD cho thời gian 15 tháng để ứng phó với khủng hoảng. WB đặt mục tiêu trong vòng 3 tháng tới sẽ nhận được cam kết đóng góp 50 tỷ USD trong số này.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho phản ứng lâu dài với khủng hoảng, xét tới việc đang có nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc”, ông nói. “Trong vài tuần tới đây, chúng tôi sẽ thảo luận về một gói ngân sách phản ứng khủng hoảng khoảng 170 tỷ USD cho thời gian từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2023”.

Đây là kế hoạch nối tiếp gói ngân sách 160 tỷ USD mà WB đã đưa ra để phản ứng với đại dịch Covid-19. Đến tháng 6/2021, đã có 157 tỷ USD trong số này được cam kết.

Theo Tổng giám đốc WB, kế hoạch ngân sách mới sẽ dành một phần hỗ trợ các quốc gia tiếp nhận người Ukraine tị nạn và giúp những nước bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm thực phẩm toàn cầu. Ông cũng nói rằng trong tuần này WB và IMF sẽ thảo luận về hỗ trợ mới cho Ukraine và một số nước tài trợ có thể sẽ đưa ra các cam kết cụ thể.

Dự kiến, IMF cũng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong một báo cáo vào ngày 19/4. Hôm thứ Năm tuần trước, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva gọi chiến tranh ở Ukraine là một “trở ngại to lớn” đối với nền kinh tế thế giới.

HAI MỐI ĐE DOẠ LỚN NHẤT CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI

Trong một nghiên cứu do tờ Financial Times phối hợp với Viện nghiên cứu Brookings Institution thực hiện, sự kết hợp giữa tăng trưởng giảm tốc và lạm phát cao, hay còn gọi là tình trạng “stagflation”, cùng với chiến tranh Nga-Ukraine là hai mối đe doạ lớn nhất của kinh tế thế giới năm nay. Theo nghiên cứu này, sức ép giá cả ngày càng lớn, sản lượng kinh tế suy giảm, và niềm tin sứt mẻ sẽ đặt ra thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2022.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với những lựa chọn đầy khó khăn, theo chuyên gia cấp cao Eswar Prasad của Brookings Institution. Ông Prasad nói rằng các quốc gia sẽ vừa phải kiểm soát sự leo thang của giá cả, vừa phải thận trọng với mối nguy mà lãi suất tăng đặt ra đối với tăng trưởng kinh tế và mức nợ vốn dĩ đã cao.

Vị chuyên gia cho rằng năm 2022 có thể trở thành “một giai đoạn đầy biến động về địa chính trị, những gián đoạn nguồn cung kéo dài, và biến động thị trường tài chính, trên bức nền là áp lực lạm phát cao và dư địa hạn hẹp cho phản ứng chính sách”.

Theo ông Prasad, cả ba khu vực chính của nền kinh tế thế giới đều đối diện với những khó khăn lớn.

Ở Mỹ, chi tiêu vẫn mạnh và thị trường lao động đã quay trở lại mức trước đại dịch, nhưng lạm phát cao đặt ra thách thức lớn cho sứ mệnh ổn định giá cả của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tháng 3 vừa qua, lạm phát ở Mỹ là 8,5%, cao nhất 40 năm.

“Fed đang có nguy cơ mất kiểm soát lạm phát và có thể buộc phải thắt chặt mạnh hơn nhiều so với những gì họ đã phát tín hiệu, từ đó đặt ra rủi ro kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh trong năm 2023”, ông Prasad nói.

Các vấn đề của Trung Quốc xuất phát từ việc nước này quyết tâm theo đuổi chiến lược chống dịch hà khắc "zero Covid" (không Covid). Phong toả kéo dài gây suy giảm tiêu dùng, đầu tư và sản xuất, trong khi chính sách tiền tệ nới lỏng để cứu tăng trưởng có thể dẫn tới những rủi ro dài hạn đối với ổn dịnh tài chính.

Châu Âu chính là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh Nga-Ukraine. An ninh năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết do nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khối vì thế cũng suy giảm mạnh.

“Để giữ cho nền kinh tế toàn cầu duy trì được sự tăng trưởng tương đối, đòi hỏi phải có hành động nhất quán để giải quyết những vấn đề gốc rễ, bao gồm các biện pháp xử lý gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, các bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng địa chính trị, và cả những biện pháp cục bộ như tăng đầu tư hạ tầng để nâng cao năng suất trong dài hạn thay vì chỉ củng cố nhu cầu trong ngắn hạn”, ông Prasad khuyến nghị.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chien-tranh-khien-ca-wb-va-imf-cung-bi-quan-ve-kinh-te-toan-cau-a130784.html