Những đồng tiền mất giá trong khủng hoảng Ukraine

Hàng loạt đồng tiền mất giá trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt khiến áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu.

Nhiều đồng tiền quốc tế trải qua các đợt mất giá và biến động trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng và xung đột quân sự tại Nga - Ukraine.

Đồng yên Nhật

Hôm 18/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho rằng thời gian gần đây giá trị đồng yên giảm “khá nhanh” so với đồng USD, báo hiệu ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế tại Nhật.

Cụ thể, cuối năm ngoái, tỷ giá đồng yên so với đồng USD vào khoảng 114-115 yên đổi 1 USD. Tuy nhiên đến đầu năm nay, tỷ lệ này đã vượt quá 120 yên, tiếp theo là 125 yên đổi 1 USD và đến ngày 13/4 là 126 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Đến hôm 19/4, 1 USD tương đương với 128 yên, ngày giảm giá thứ 13 liên tiếp.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá này là khoảng cách khá lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản để đối phó với tình trạng lạm phát thì BOJ vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.

Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine bùng phát đã khiến giá tài nguyên tăng chóng mặt và thúc đẩy tốc độ gia tăng lạm phát trên toàn thế giới.

Đồng euro và đồng tiền khối Trung - Đông Âu

Trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá euro giảm 0,8% xuống còn 1 euro đổi được 1,0967 USD. Đây là lần đầu tiên euro giảm xuống mức dưới 1,1 USD trong gần hai năm.

(Ảnh minh họa)

So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng euro mất 0,8% giá trị, còn 1 euro đổi được 1,0066 franc - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015. So với đồng bảng Anh, đồng euro cũng giảm 0,4% xuống còn 1 euro đổi được 82,56 pence - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.

Áp lực cũng gia tăng với các đồng tiền ở khu vực Trung và Đông Âu. Giai đoạn đầu xung đột, dòng tiền tệ của các quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ cũng lao dốc, với đồng zloty Ba Lan (PLN), forint Hungary (HUF) và đồng koruna của Séc (CZK) giảm từ 8-12%.

Đồng rúp

Trong các đồng tiền thì đồng rúp Nga dường như chịu tác động rõ nhất của xung đột quân sự, khi các bên áp lệnh trừng phạt với các ngân hàng và xuất nhập khẩu của Nga.

Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu hạn chế quyền tiếp cận của các ngân hàng Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Số lượng lớn tài sản USD mà các ngân hàng Nga dự trữ cũng bị đóng băng, cản trở khả năng hỗ trợ đồng tiền nội tệ.

Bắt đầu có dấu hiệu mất giá sau khi Nga tuyên bố công nhận hai vùng ly khai, đến khi mở đầu chiến dịch quân sự, giá trị đồng rúp lao dốc xuống mức kỷ lục chỉ còn 109,13 rúp/USD hôm 28/2 (mất giá 30%).

Nga sau đó đưa ra các biện pháp giữ giá đồng tiền như cấm công dân sử dụng rúp để mua USD và các loại tiền khác, giới hạn số lượng USD có thể rút từ ngân hàng, yêu cầu các nước thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp,...

Đến nay đồng tiền đã hồi giá trở lại và thậm chí tiếp tục tăng mạnh dù ngân hàng trung ương Nga nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Tính đến ngày 18/3, giá rúp tăng 1,12% lên mức 79,1 rúp/USD, 81,81 rúp/euro. Tại thời điểm ngày 20/4, tỷ giá rúp/USD là 80,75.

Dù có dự trữ vàng và nhân dân tệ nhưng ngân hàng Nga thừa nhận chưa tìm được lựa chọn thay thế rõ ràng cho USD và euro. Mới đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga cho biết Moskva chuẩn bị kiện để đòi lại 300 tỷ USD dự trữ bị phong tỏa do các lệnh trừng phạt.

Nhân dân tệ và USD tăng giá

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt được áp dụng, Trung Quốc chọn mua dầu, than Nga bằng nhân dân tệ, nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD. Nga cũng đề xuất cơ chế tương tự cho Ấn Độ thanh toán bằng cả đồng rúp Nga và rúp Ấn.

(Ảnh minh họa)

Kinh tế Trung Quốc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng giá đồng tiền dao động ở mức cao trong khi các đồng tiền thế giới giảm, một phần được cho là do các nhà chính sách đã sớm tung ra các biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, đồng tiền Trung Quốc cũng được coi là một lựa chọn “trú ẩn” trong giai đoạn các đồng tiền khác biến động.

Theo Trung tâm giao dịch ngoại hối Trung Quốc, ngày 1/3, tỷ giá giữa đồng CNY với đồng USD đã tăng 208 điểm so với ngày hôm trước, lên 6,3014 CNY đổi 1 USD. Đây là mức tăng cao nhất kể từ 20/4/2018 và là mức tăng mạnh nhất kể từ 20/10/2021.

Trong khi đó, đồng USD, dù đứng trước lo ngại giảm vị thế do bị “vũ khí hóa” trong khủng hoảng Ukraine, hay tình trạng lạm phát tại Mỹ, vẫn tăng giá mạnh. Các nhà đầu tư hiện đang chuẩn bị cho nhiều đợt tăng lãi suất nửa điểm phần trăm từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhung-dong-tien-mat-gia-trong-khung-hoang-ukraine-a131031.html