Tỷ phú Elon Musk bày tỏ tham vọng sở hữu công ty Twitter với đề nghị trị giá 43 tỷ USD
Ngày 14/4, trong một cuộc phỏng vấn với lãnh đạo TED Chris Anderson, vị tỷ phú khẳng định ý định mua Twitter không nhằm vào khía cạnh kinh doanh, mà để “duy trì nền tảng công cộng đáng tin cậy và mang tính bao trùm, điều cực kỳ quan trọng với tương lai của nền văn minh”.
CEO Tesla và SpaceX nhắc lại quan điểm Twitter thiếu tự do ngôn luận. Ông cho rằng, Twitter nên mở mã nguồn thuật toán để tăng tính minh bạch trong các quyết định về nội dung. Đây sẽ là chuyển biến lớn với cách hoạt động của Twitter.
Với hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter, tỷ phú Elon Musk đã tạo ra nhiều cuộc thăm dò về chủ đề này. Ông chia sẻ quan điểm mô hình công ty mạng xã hội như một quảng trường thành phố, có thể thúc đẩy hòa bình toàn cầu nếu đi kèm với những chính sách quản lý nhất định.
Theo ông Musk, mặc dù nền tảng này cũng phải tuân theo luật pháp của các quốc gia mà nó cung cấp dịch vụ. Nhưng khi Twitter thực hiện các thay đổi để khuếch đại hoặc giảm phạm vi tiếp cận của một tweet, mạng xã hội này cung cấp cho người dùng một cái nhìn sâu sắc về những gì đang xảy ra. Do đó, Twitter nên thận trọng hơn khi quyết định gỡ bỏ các tweet hay cấm vĩnh viễn người dùng.
Đáng chú ý, trong lập luận của vị tỷ phú này, nếu ông thành công trong việc tiếp quản “tham vọng 43 tỷ USD”, để đảm bảo tính công bằng của nền tảng, ông muốn công khai thuật toán của Twitter. Thuật toán đã được phát triển nhằm xác định người dùng có thể được đọc những gì thông qua việc xếp hạng mức độ ưu tiên của các tweet, đồng thời tính toán xem các tweet đó được mở rộng hoặc giới hạn việc tiếp cận tới người dùng.
Ông Musk cho rằng, việc một tweet được phổ biến hoặc bị giới hạn cần phải được thông báo rõ ràng tới người dùng và điều đó sẽ giúp ngăn chặn Twitter “thao túng hậu trường”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuật toán đề xuất lại cho rằng ý tưởng của tỷ phú Musk thể hiện sự đơn giản hóa quá mức về cách thức hoạt động của việc công khai dữ liệu.
Khi các công ty mạng xã hội phát triển, phần mềm điều khiển các công cụ đề xuất của các công ty này cũng ngày một phát triển rộng rãi và vô cùng phức tạp. Việc phân tích những thuật toán này sẽ cần phải sử dụng một siêu máy tính để có thể truy cập được luồng dữ liệu khổng lồ. Các thuật toán đề xuất mà các mạng xã hội như Twitter hay Facebook sử dụng phải xử lý hàng tỷ mẩu nội dung và vô số điểm dữ liệu để xác định độ phổ biến của bài đăng.
Bên cạnh đó, Elon Musk cũng đưa ra nhiều ý tưởng thay đổi Twitter trong tương lai “nếu ông được tiếp quản và sở hữu”. Chẳng hạn như, cho phép các tweet dài hơn, biến thuật toán của Twitter thành mã nguồn mở và ưu tiên hàng đầu là loại bỏ “đội quân bot” trên Twitter, những tài khoản spam và thực hiện các trò gian lận...
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tham-vong-thau-tom-twitter-cua-ty-phu-elon-musk-a131754.html