68 năm sau ngày Điện Biên Phủ toàn thắng, đồi A1 nay là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế
Buổi sáng đầu tháng 5, trời Điện Biên dường như cao xanh hơn. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ để chiêm ngưỡng bức tranh paranoma tái hiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cách đây 68 năm “chấn động địa cầu”. Trước quầy vé, dòng người nườm nượp xếp hàng; trên sân bảo tàng có rất nhiều cựu chiến binh về thăm Điện Biên. Đối diện bảo tàng, khoảnh sân trước cửa Nghĩa trang Liệt sĩ A1 ngày thường thênh thang là thế, nhưng nay thành chật chội. Trong dòng người lặng lẽ nhẹ bước vào nghĩa trang có nhiều cựu chiến binh mắt rưng rưng...
Thăm cứ điểm Him Lam - nơi bộ đội ta đánh trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954, chúng tôi gặp 5 cựu chiến binh, trong đó có ông Nguyễn Hữu Chấp từng là Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82mm của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) tham gia đánh trận mở màn vào “cánh cửa thép” Him Lam. Dọc con đường nhỏ láng xi măng sạch sẽ dẫn đến các cứ điểm trên đồi Him Lam, ông Chấp xúc động kể, Đại đoàn 312 của ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đánh trận mở màn và nhất định phải thắng. Rạng sáng 12-3-1954, ông Chấp cùng đồng đội bao quanh cứ điểm Him Lam và nghe tiếng loa của địch ra rả: “Điện Biên Phủ là cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào vì sẽ không còn đường về với bố mẹ”... “Chúng tôi không hề nao núng! Cuối giờ chiều 13-3, toàn bộ lực lượng pháo binh của ta đồng loạt nhả đạn khiến địch không kịp phản ứng. Bộ đội rất anh dũng xung phong chiến đấu và đến gần nửa đêm thì hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam”.
Chúng tôi theo chân cùng dòng người về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Vẫn còn đó dòng sông Nậm Rốm lặng lẽ trôi xuôi dưới chân cầu Mường Thanh. Bên dòng sông, cánh đồng Mường Thanh lúa trĩu hạt; bản làng, thôn xóm bừng lên sức sống mới với những sắc màu rực rỡ, ấm no. Ông Lường Văn Tọ là người con của đồng bào dân tộc Thái tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tự hào khoe: “Xã Thanh Hưng hôm nay đổi thay rất nhiều. Người dân không còn canh cánh lo cái ăn cái mặc như trước, thay vào đó là ước mong xây dựng Thanh Hưng thành xã điểm nông thôn mới nâng cao, để tới đây đón thêm nhiều bạn bè, du khách về thăm”.
68 năm qua, với khát vọng cháy bỏng xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện mục tiêu biến chiến trường thành nông trường, thành những khu dân cư mới và thành đô thị trẻ trên miền biên viễn. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tích cực phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tổ chức khởi công dự án Nâng cấp mở rộng cảng hàng không Điện Biên; phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để đầu tư nâng cấp quốc lộ 6 trở thành đường cao tốc trước năm 2030; nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc gia... từng bước xây dựng Điện Biên phát triển, xứng đáng với mong muốn của những thế hệ đã làm nên chiến thắng hào hùng Điện Biên Phủ năm xưa.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ky-niem-68-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2022-tu-hao-tiep-buoc-a136341.html