Không hoạt động sản xuất, không phát sinh hóa đơn GTGT mua vào - bán ra, vậy mà chỉ trong 2 tháng, Nguyễn Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP tầm nhìn Gia Nguyễn Group đã “hút” được hàng chục tỷ đồng.
Hình ảnh Nguyễn Văn Dũng “giảng bài” trên kênh Youtube
Ngài Tổng Giám đốc “phong độ”
Trước khi bị CQĐT CAQ Hà Đông (Hà Nội) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Văn Dũng (SN 1984, HKTT phường Phú La, quận Hà Đông) là hình mẫu, thần tượng của nhiều người. Trên các kênh Youtube của Gia Nguyễn Group tràn ngập hình ảnh vị Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Dũng phong độ, đầu tóc bóng mượt, đi đâu cũng có vệ sỹ và di chuyển chủ yếu bằng chiếc Mescedes Maybach màu đen trị giá hàng tỷ đồng. Nguyễn Văn Dũng có tài ăn nói, có cả kiến thức nhất định về hoạt động kinh doanh.
Bằng chứng là kênh Youtube của Gia Nguyễn Group đăng tải những clip “bài giảng” về kinh doanh của vị Tổng Giám đốc thời lượng tới cả tiếng đồng hồ. Trong đó, diễn giả say sưa, trình bày trầm bổng ngữ điệu không chút vấp váp. Những kiến thức kinh doanh nhất định đó được Nguyễn Văn Dũng tích cóp từ nhiều năm. Trước khi thành lập công ty (năm 2008), Dũng chuyên khai thác bã thải ở mỏ than cọc 6 Cẩm Phú, Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Quá trình kinh doanh, do làm ăn thua lỗ dẫn đến việc năm 2019 Dũng phải vay nợ 8 cá nhân với số tiền lên đến hơn 70 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là góc khuất ít người biết. Còn đa số người hâm mộ, thần tượng Dũng chỉ sau khi anh ta cùng Gia Nguyễn Group phát triển phần mềm “Nền kinh tế chia sẻ”.
Kể từ thời điểm này, nhất là từ tháng 3-2022, trụ sở của Gia Nguyễn Group tại khu liền kề V6, khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, trở thành điểm đến của hàng trăm nhà đầu tư ở nhiều tỉnh, thành phố. Các nhà đầu tư biết đến Gia Nguyễn Group, biết Nguyễn Văn Dũng qua truyền miệng, qua mạng xã hội, qua hệ thống chân rết là các doanh nghiệp do Nguyễn Văn Dũng lập nên nhằm hút mọi nguồn lực tài chính về Công ty CP tầm nhìn Gia Nguyễn Group.
Hoạt động kinh doanh của Gia Nguyễn Group tại khu đô thị Văn Phú bị trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế (CAQ Hà Đông) phát giác và xác lập chuyên án đấu tranh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã nhận định dấu hiệu bất thường. Nguyễn Văn Dũng chỉ đạo nhân viên công ty lắp đặt các màn hình tivi quảng cáo tại nhiều địa điểm trên 10 tỉnh, thành phố.
Tự giới thiệu về sản phẩm bếp thương hiệu GNG và thông qua phần mềm “Nền kinh tế chia sẻ” để kêu gọi các nhà đầu tư hùn vốn, dồn tiền…
“Chỉ sau mấy buổi trinh sát, nghe các “bài giảng” về kinh doanh của Nguyễn Văn Dũng cũng như chia sẻ cách thức kinh doanh của đối tượng, CQĐT đã nhận định dấu hiệu lừa đảo. Và chúng tôi xác định phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ phá án, bởi chậm 1 ngày sẽ có cả tỷ đồng của người dân rơi vào túi kẻ lừa đảo này” - Thượng tá Ngô Tiến Bắc, Phó trưởng CAQ Hà Đông, người trực tiếp chỉ đạo đấu tranh chuyên án nhớ lại.
Chiếc xe sang Nguyễn Văn Dũng khai nhận là mượn của người quen để đi lại và “lấy le” với các nhà đầu tư
Lộ “công nghệ”… lừa đảo
Cùng với quyết tâm của Ban Chỉ huy CAQ, sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc CATP Hà Nội và sự hỗ trợ chuyên môn của các đơn vị chức năng, chuyên án đã thành công, bộ mặt lừa đảo của Công ty CP tầm nhìn Gia Nguyễn Group bị lật tẩy. Trên cơ sở hội đủ những tài liệu, chứng cứ cần thiết, đầu tháng 5-2022, CQĐT CAQ Hà Đông đã thực hiện biện pháp tố tụng đối với Nguyễn Văn Dũng. “16h hôm ấy, trinh sát, điều tra viên đưa đối tượng Dũng về trụ sở. Cho đến 19h cùng ngày, chỉ riêng 1 tài khoản ngân hàng của gã vẫn liên tục “nhảy số”, từ 182 triệu đồng lên hơn 740 triệu đồng” - Trung tá Hoàng Văn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, CAQ Hà Đông nhớ lại.
Trước những tài liệu cơ quan công an thu thập được, Nguyễn Văn Dũng đã phải khai nhận thủ đoạn lừa đảo. Do cần tiền trả nợ cá nhân, chi phí các hoạt động của công ty nên từ tháng 6-2021, Nguyễn Văn Dũng đã chỉ đạo nhân viên công ty khai thác phần mềm “Nền kinh tế chia sẻ”, quảng cáo rầm rộ hình thức kinh doanh thông qua hàng trăm màn hình quảng cáo được lắp đặt ở 10 tỉnh, thành phố. Qua việc mở các “lớp học”, Dũng tìm cách lôi kéo người dân tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đến nghe rồi kêu gọi góp vốn vào công ty.
Số vốn ban đầu cần góp là 38 triệu đồng/người trở lên, tương đương với việc mua 1 màn hình quảng cáo thương hiệu GNG. Dũng thỏa thuận trên hợp đồng với các nhà đầu tư là hàng tháng công ty sẽ chi trả lãi là 5% (1.900.000 đồng), đây là số tiền từ hoạt động kinh doanh của Gia Nguyễn Group. Nếu nhà đầu tư nào giới thiệu được thêm người tham gia góp vốn thì sẽ được công ty chi trả tiền lợi tức từ 500 nghìn đồng đến 12% tùy theo số tiền người được giới thiệu đóng góp. Trên hợp đồng ký kết, Dũng đưa thông tin số tài khoản của Công ty CP tầm nhìn Gia Nguyễn Group là 1507007001 tại Ngân hàng TP Bank để các nhà đầu tư chuyển tiền. Nhưng thực tế đây là tài khoản cá nhân của Dũng.
Thượng tá Ngô Tiến Bắc cho biết, qua công tác điều tra xác minh, CQĐT xác định Dũng đã huy động được 400 cá nhân góp vốn thông qua 500 hợp đồng kinh tế. Số tiền huy động góp vốn từ ngày 1-10-2021 đến 15-4-2022 là 43 tỷ đồng. Sau khi có tiền, Dũng đã sử dụng để trả nợ khoản vay trước đó cho 4 cá nhân là 16 tỷ đồng; dùng tiền người nộp sau trả lợi tức cho người nộp trước là hơn 6 tỷ đồng. Số tiền còn lại Dũng sử dụng vào việc chi trả lương cho nhân viên, thuê mặt bằng, thuê xe nhưng không có hóa đơn, chứng từ mà chỉ dùng tài khoản cá nhân để chuyển khoản.
CQĐT CAQ Hà Đông đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Nguyễn Văn Dũng, thu giữ 231 màn hình không có nhãn hiệu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. CQĐT cũng đã xác minh tại Chi cục Thuế quận Hà Đông, kết quả từ tháng 1-2021 đến nay, Công ty CP tầm nhìn Gia Nguyễn Group không phát sinh hóa đơn GTGT mua vào, không phát sinh hóa đơn GTGT bán ra, chưa kể khai lợi nhuận của doanh nghiệp. Xác minh tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), kết quả Công ty CP tầm nhìn Gia Nguyễn Group không đăng ký nhãn hiệu GNG với sản phẩm bếp, màn hình.
Lời khai của Nguyễn Văn Dũng cho thấy, Gia Nguyễn Group không sản xuất, kinh doanh màn hình thương hiệu GNG như đã hứa hẹn với các nhà đầu tư. Số màn hình không có tem nhãn mà CQĐT thu được tại nơi làm việc của Dũng được gã thu mua từ năm 2019, là hàng hóa cũ, không rõ xuất xứ, giá thành 3 triệu đồng/chiếc. Việc chi tiêu số tiền thu được từ những người góp vốn cũng là do Dũng tự làm, các nhân viên công ty chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Dũng và hưởng lương thỏa thuận.
Về sản phẩm bếp mang thương hiệu GNG, Dũng từng đưa các nhà đầu tư về địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội), nơi có một cơ sở sản xuất kiêm showroom của một người quen và tự nhận đó là của Gia Nguyễn Group. Vậy mà vẫn có rất nhiều người tin tưởng, thậm chí cho đến khi Dũng bị khởi tố, tạm giam, nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng chỉ vài hôm nữa vị Tổng Giám đốc sẽ được thả…
Cơ quan điều tra xác định Dũng đã huy động được 400 cá nhân góp vốn thông qua 500 hợp đồng kinh tế. Số tiền huy động góp vốn từ ngày 1-10-2021 đến 15-4-2022 là 43 tỷ đồng. Sau khi có tiền, Dũng đã sử dụng để trả nợ khoản vay trước đó cho 4 cá nhân là 16 tỷ đồng; dùng tiền người nộp sau trả lợi tức cho người nộp trước là hơn 6 tỷ đồng. Số tiền còn lại Dũng sử dụng vào việc chi trả lương cho nhân viên, thuê mặt bằng, thuê xe nhưng không có hóa đơn, chứng từ mà chỉ dùng tài khoản cá nhân để chuyển khoản.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mieng-banh-ve-mang-ten-gia-nguyen-group-a138717.html