Với đủ ban bệ, chuyên gia thẩm định, tầm nhìn ngắn - dài, chính quyền ký hợp đồng thuê “siêu máy bơm” của doanh nghiệp với giá 14 tỷ đồng/năm chống ngập cho con đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng khi hợp đồng chưa kết thúc, Thành phố lại toan đơn phương chấm dứt, dù biết sẽ phải bồi thường. Tiền doanh nghiệp không phải “trên trời rơi xuống”? Tiền chính quyền thuê đâu phải từ túi cá nhân?
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập trước khi Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung vận hành “siêu máy bơm”
Bài 1: Của công ai xót?
Tập đoàn Quang Trung cam kết chống ngập cho 75 ha “nếu không hết ngập thì không lấy tiền”. Sau khi các cơ quan chức năng TP.HCM thẩm định, hợp đồng được ký, nhưng đang có nguy cơ “chết yểu”.
Lúc cần thì… ca!
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) dài hơn 3 km xây dựng năm 1997, đưa vào sử dụng năm 2002, nhưng nhanh chóng lún sụt và thành "rốn ngập" nặng nhất TP.HCM. Mỗi mùa mưa tới, con đường biến thành “sông”, thành nơi thống khổ của hàng chục ngàn cư dân được xem là dư giả thuộc khu phức hợp cao cấp, căn hộ chung cư xung quanh như The Manor, SunWah Pearl, Saigon Pearl, Vinhomes Golden River, Grand Marina Saigon…
Năm 2009, TP.HCM chấp thuận chỉ định Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) làm dự án sửa chữa, nâng cấp chống ngập đường, dự kiến tốn khoảng 472 tỷ đồng. Đến năm 2015, dự án này mới được thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công và được Thành phố bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn tắc, thậm chí, đến năm 2017, Vingroup đề xuất ứng kinh phí khoảng 527 tỷ đồng cho Thành phố (không tính lãi) để thực hiện, mà dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Ngập lụt diễn ra trong nhiều năm, khu vực trước tòa nhà The Manor và khu dân cư Saigon Pearl phải nhờ đến máy bơm công suất 3.000 m3/giờ của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM giải cứu, nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng.
Trong khoảng thời gian này (tháng 8/2016), Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Công ty Quang Trung) đề xuất xin được thực hiện một điểm bị ngập nặng nhất tại TP.HCM với cam kết “không hết ngập sẽ không thanh toán tiền” và được Thành ủy, UBND TP.HCM chấp thuận thực hiện thí điểm tại điểm ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Mời cơ quan chuyên môn độc lập đánh giá.
- Ông Nguyễn Tăng Cường Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quang Trung
Thành phố nên mời một số cơ quan chuyên môn độc lập để đánh giá cho 75 ha khu vực bị ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó có khu dân cư chứ không riêng đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ có diện tích 3 ha. Hiện tại, mặt đường cao hơn khu dân cư hiện hữu có đoạn hơn 1 m, nếu lượng mưa khoảng 70 mm, thì đoạn đường này sẽ cơ bản không bị ngập, nhưng khu dân cư xung quanh với trên 70 ha có cốt nền tương đối thấp, nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp sẽ có nguy cơ ngập nặng. Bên cạnh đó, cần phải có trận mưa lớn khoảng 70 mm trở lên, mưa liên tục khoảng 3 giờ thì sẽ đánh giá chính xác tình trạng ngập của khu vực này.
Sau 13 lần vận hành, thì có 11 lần thành công. Với kết quả này, hệ thống “siêu máy bơm” của Công ty Quang Trung đã được UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan đánh giá, “đã phát huy tốt tác dụng chống ngập”. Khu vực này đã được cải thiện không bị ngập, giao thông thuận tiện, người dân tại khu vực này rất phấn khởi vì cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã không còn phụ thuộc vào những trận mưa như trước.
Chưa hết, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM kết hợp với Trung tâm Chống ngập Thành phố cũng đã xây dựng phương pháp so sánh kinh tế, kỹ thuật giữa công nghệ sử dụng hệ thống bơm thông minh với phương pháp truyền thống.
Theo ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quang Trung, các bên khẳng định, sử dụng công nghệ bơm thông minh kiểu mới đã đảm bảo về kỹ thuật chống ngập và tiết kiệm trên 68,4% kinh phí cho Thành phố.
Thế nên, ngày 19/4/2018, UBND TP.HCM mới ủy quyền cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước ký Hợp đồng với Công ty Quang Trung thuê dịch vụ chống ngập 7 năm, bắt đầu từ năm 2017 đến 31/12/2023. Giá thuê dịch vụ theo dự toán ban đầu do doanh nghiệp đề xuất được cơ quan thẩm định giá xác định là 24 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các ban, ngành của Thành phố đã yêu cầu trừ hết lãi vay ngân hàng trong quá trình đầu tư và xét tới yếu tố Thành phố sẽ tiếp tục thuê dịch vụ này để áp dụng ở nhiều điểm khác nên hai bên đã thỏa thuận giảm giá xuống còn 14,2 tỷ đồng/năm.
Thậm chí, tại buổi ký kết hợp đồng nguyên tắc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (hiện là bị cáo trong vụ sai phạm Sagri) không chỉ đánh giá cao Công ty Quang Trung trong việc đầu tư dự án máy bơm chống ngập giúp Thành phố giải quyết vấn đề chống ngập, mà còn giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố nghiên cứu nhân rộng mô hình này ở những khu vực tương tự.
Phát biểu của ông Trần Vĩnh Tuyến không chỉ là “lời gió bay”, mà được thể hiện bằng văn bản. Tại Văn bản số 800/TB-VPTU ngày 17/9/2018, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo “sẽ tiếp tục thuê dịch vụ này để giải quyết chống ngập trên địa bàn Thành phố sau năm 2019. Đồng thời, ngày 18/4/2018, UBND TP.HCM cũng có Văn bản số 66/BC-UBND nêu rõ: “TP.HCM sẽ chỉ đạo nghiên cứu mô hình công nghệ này để triển khai nhân rộng trên địa bàn Thành phố”, ông Cường nói và đưa văn bản chứng minh!
Khi ổn thì muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng
Song song với việc đổ hơn 14 tỷ đồng ngân sách thuê doanh nghiệp chống ngập, chính quyền TP.HCM cũng triển khai dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh với vốn đầu tư 473 tỷ đồng, do Ban Quản lý công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư, nhằm giúp chống ngập cho khu vực khi mùa mưa.
Tới tháng 3/2022, Ban Quản lý công trình giao thông Thành phố có Văn bản số 1366/BQLDAGT-ĐB1 báo cáo, sau khi dự án hoàn thành, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh từ khi thông xe (ngày 28/4/2021) đã trải qua mùa mưa năm 2021, nhưng tuyến đường không bị ngập nữa.
Hệ thống bơm công suất lớn chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung thực hiện với tổng chi phí gần 90 tỷ đồng, công suất có thể đạt từ 27.000 - 96.000 m3/giờ. Được lắp đặt từ tháng 7/2017, tại khu đất rộng hơn 400 m2 ở phường 22, quận Bình Thạnh, máy bơm chính thức vận hành từ ngày 2/10/2017.
Trên cơ sở này, ngày 31/3/2022, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM gửi văn bản tới Công ty Quang Trung thông tin: lượng nước thoát cho tuyến Nguyễn Hữu Cảnh (bao gồm cả phạm vi chống ngập thuê doanh nghiệp) được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không chảy về hầm Trạm bơm do công ty vận hành phục vụ. “Do đó, việc tiếp nhận nước để thực hiện cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ kiểu mới đã không thể thực hiện trong thời gian tới”.
Tới ngày 14/4/2022, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản số 2554/VP-DA truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành phố trước đó (tháng 8/20210) và “tham mưu có chính kiến cụ thể đề xuất UBND TP.HCM phương án xử lý máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh đảm bảo không lãng phí ngân sách”.
Thực tế trước đó, từ tháng 6/2021, UBND TP.HCM đã có Thông báo số 567/TB-VP giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp sở, ngành liên quan đánh giá tình trạng ngập và hiệu quả hoạt động, sự cần thiết của hệ thống bơm chống ngập của doanh nghiệp.
Tới tháng 11/2021, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM có văn bản gửi UBND quận Bình Thạnh và cơ quan liên quan đánh giá tình hình ngập nước sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh thông xe.
Theo đó, đồng loạt cơ quan liên quan như UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Tư vấn phát triển, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố đều hồi đáp rằng, trải qua mùa mưa 2021, các khu vực ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh đã “ghi nhận không còn ngập nữa”.
Với các dữ liệu trên, cuối tháng 4/2022, Sở Xây dựng có Văn bản số 4218/SXD-HKKT gửi UBND TP.HCM với nội dung cũng như các cơ quan chức năng trên (đường Nguyễn Hữu Cảnh không ngập nữa) và đề xuất giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (chủ thể ký hợp đồng) đàm phán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Công ty Quang Trung.
UBND TP.HCM sau đó đã “chuẩn y” đề xuất này!
Tránh lãng phí hay lại… “đốt” ngân sách
Như trên chúng tôi đã nói rõ, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng “đề xuất UBND TP.HCM phương án xử lý máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh đảm bảo không lãng phí ngân sách”.
Tuy nhiên, theo phân tích của Sở xây dựng, Hợp đồng về cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM và Công ty Quang Trung ký thuê dịch vụ là 7 năm (từ năm 2017 đến hết ngày 31/12/2023), tức vẫn còn thời hạn.
Theo quy định tại Điều 14.3 về Phạm vi hợp đồng quy định “trong mọi trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên vi phạm ngoài việc phải bồi thường thiệt hại thì còn bị phạt 8% giá trị hợp đồng”.
Do đó, theo Sở Xây dựng, trong trường hợp chấm dứt hợp đồng tại thời điểm hiện nay do hệ thống thoát nước của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành, thì sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Quang Trung “giá trị bồi thường thiệt hại này chưa xác định được và nếu không có sự thống nhất thì khả năng xảy ra nguy cơ khiếu kiện hợp đồng”, Sở Xây dựng nêu rõ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tphcm-muon-don-phuong-cham-dut-hop-dong-voi-doanh-nghiep-bai-1-cua-cong-ai-xot-a138794.html