Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần có sự hồi phục khá tốt với đà tăng lan rộng, VN-Index có thời điểm tăng hơn 32 điểm. Tuy nhiên nhịp phục hồi chỉ mang tính kỹ thuật, bên bán bắt đầu nhập cuộc trong buổi chiều đã khiến thị trường lao dốc mạnh, các chỉ số tiếp tục mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đảo chiều sang giảm 10,82 điểm (-0,91%) về mốc 1.171,95 điểm. Như vậy chỉ số chính đã mất gần 44 điểm so với lúc cao nhất phiên và là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó sàn niêm yết HNX có sự khác biệt, mặc dù cũng chịu áp lực bán lớn dần nhưng chỉ số vẫn giữ được sắc xanh khi tăng 4,66 điểm (1,54%) đạt 307,05 điểm. Sàn này có giá trị vốn hóa nhỏ hơn nhiều so với HoSE nên biến động thường không đại diện cho thị trường chung.
VN-Index sáng tăng, chiều giảm khi lực bán nhập cuộc. Đồ thị: TradingView.
Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chính cho thị trường. Riêng rổ VN30 đảo chiều mạnh sang giảm 8,68 điểm (-0,71%) với nhiều mã giảm rất sâu; trong đó có MSN của Masan và STB của Sacombank bất ngờ bị bán sàn.
Một số cổ phiếu trụ khác cũng có tác động rất tiêu cực lên chỉ số như VHM của Vinhomes giảm 3,2% về 65.800 đồng, GAS của PV Gas lao dốc 5% xuống 95.000 đồng, BCM của Becamex giảm sàn tại 68.200 đồng, TCB rơi 3,6% hay VIC giảm 1,3%.
Bộ đôi cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh và DXS của Đất Xanh Services gây chú ý khi tiếp tục bị bán tháo khối lượng lớn, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bất động sản này đang chịu thiệt hại nặng nề. Riêng DXG giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp về 25.000 đồng, mất 46% kể từ đầu tháng 4 đến nay. DXS tương tự bị bán sàn 3 phiên còn 19.850 đồng.
Cổ phiếu thủy sản bị xả rất quyết liệt khi phần lớn các mã đều có dư bán sàn hàng trăm nghìn đơn vị. Đáng kể như VHC, ANV, IDI, ACL của nhóm cá tra và FMC, CMX của các công ty xuất khẩu tôm đều giảm kịch sàn.
Nhóm bán lẻ công nghệ cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi các mã DGW, PET và FRT giảm hết biên, riêng MWG của Thế giới Di Động mất thêm 1,7% giá trị. Cổ phiếu hàng hóa như thép (HSG, NKG), phân bón (DPM, DCM), hóa chất (CSV) cũng giảm kịch sàn...
Top các cổ phiếu có tác động lớn nhất lên thị trường. Nguồn: VNDirect.
Nhóm gồng đỡ cho thị trường đến tư cổ phiếu ngân hàng khi được giao dịch khá thuận lợi, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế ở nhóm này. Trong đó VCB của Vietcombank tăng 1,6% lên 74.200 đồng là mã có tác động tốt nhất, ngoài ra còn có một số mã ngân hàng khác như CTG, BID, MBB, TPB.
Cổ phiếu ngành chứng khoán và dầu khí cũng có sự đóng góp quan trọng. Cổ phiếu đầu ngành chứng khoán SSI tăng 5,8% lên 27.300 đồng, HCM và APS tăng trần, SHS bứt phá 8,5%, SBS tăng 3,9%, VCI hay VND tăng hơn 3%. Hay nhóm dầu khí có PVS và PVC tăng trần, PVD có thêm 4,8%, PLX tăng 4,7%...
Mặc dù giảm điểm nhưng độ rộng thị trường vẫn khá tốt bởi sắc xanh vẫn nhiều hơn. Toàn sàn có 563 mã tăng giá, 407 mã giảm giá và 154 mã đứng tại tham chiếu.
Thanh khoản thị trường khá thấp đạt tổng cộng 16.738 tỷ đồng cho thấy sự dè dặt nhất định của nhà đầu tư. Riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE là 13.790 tỷ đồng, giảm 25% so với phiên liền trước. Khối ngoại mua ròng hơn 250 tỷ đồng.
Trước phiên giao dịch, KB Việt Nam đánh giá xu hướng giảm điểm đang đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn. VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.160 và sâu hơn là 1.130 điểm.
AseanSC nêu quan điểm rằng thị trường đang bị bán tháo quá đà và kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại, nhất là khi dòng tiền bắt đáy có dấu hiệu nhập cuộc tích cực hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng ngày 19/5 là thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh nên có thể xảy ra biến động mạnh.
Chứng khoán Đông Á cho rằng thị trường thiếu thông tin hỗ trợ nhưng với mức giá cổ phiếu giảm sâu có thể kích thích lực mua bắt đáy, dẫn đến VN-Index có thể có phiên hồi kỹ thuật. Tuy nhiên, mức độ rủi ro cho những giao dịch ngắn hạn khá cao, nhà đầu tư nên thận trọng chờ thị trường ổn định.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dao-chieu-bat-ngo-vn-index-giam-3-phien-lien-tiep-a138999.html