Người tiêu dùng "tố" sản phẩm hỏng, Richy chọn cách im lặng?

Mặc dù còn hạn sử dụng, nhưng khi bóc gói sản phẩm Richy Karo bên trong lại bị hỏng (mốc) hoàn toàn, một vị khách hàng đã nhờ cơ quan truyền thông vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên đến nay hãng bánh ngọt này vẫn im lặng không có câu trả lời thỏa đáng cho khách hàng.

LTS: Dịch vụ chăm sóc khách hàng là khâu không thể thiếu đối với một doanh nghiệp. Đây có thể coi là công cụ quan trọng để cạnh tranh hiệu quả, đồng thời quy trình chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp sẽ mang lại nguồn doanh thu vô cùng lớn đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhãn hàng Richy – một thương hiệu nổi tiếng về các sản phẩm bánh ngọt lại lựa chọn cách im lặng trước những thông tin phản hồi từ khách hàng, thông qua các cơ quan báo chí.

Tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin được chuyển tới độc giả những nội dung chính liên quan đến sự việc trên.

Sản phẩm bị mốc
Sản phẩm Richy Karo bị mốc

Sản phẩm hỏng khi còn hạn sử dụng

Sự việc xảy ra vào ngày 24/04 khi một khách hàng tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang trong kỳ nuôi con nhỏ, khi mua sản phẩm bánh Richy Karo nguyên gói của một đại lý gần nhà về sử dụng thì phát hiện bên trong gói bánh hầu hết các sản phẩm bị mốc, không thể sử dụng được.

Chị cho biết: “Bánh vừa mới mua nguyên tem nguyên mác, không bị xì hơi, còn hạn sử dụng mà bóc ra cái nào cũng mốc như thế này. May mà mình không phàm ăn, nên bóc ra còn để ý, chứ ăn vào lại cho con bú nữa thì chết dở.”

Tiếp nhận những thông tin từ vị khách hàng này cung cấp, phóng viên ghi nhận được bên ngoài bao bì chính ghi tên sản phẩm là “Richy Karo Trứng tươi – Chà bông”; hạn sử dụng đến ngày 06/05/2022 (cách thời điểm phát hiện sự việc bánh bị hỏng mốc trước đó 8 ngày);  các sản phẩm khi đã bóc đều có dấu hiệu bị mốc trắng, và hầu như không thể sử dụng được.

Vị khách hàng này cho biết thêm, tất cả sản phẩm trước khi bóc, quan sát bằng mắt thường bao bì vẫn còn nguyên vẹn, không bị vào hơi hoặc có dấu hiệu bị rách.

Bao bì sản phẩm bị mốc khi còn hạn sử dụng
Bao bì sản phẩm bị mốc khi còn hạn sử dụng.

Từ những thông tin từ độc giả cung cấp, phóng viên đã liên hệ với đại diện phân phối nhãn hàng Richy là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai có địa chỉ giao dịch tại tòa nhà Richy, 35 Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội để làm rõ nguyên nhân dẫn đến sản phẩm hỏng như trên, nhằm có câu trả lời thỏa đáng cho độc giả.

Tiếp nhận thông tin là nhân viên tên Hồng, đại diện truyền thông của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai. Nhân viên này nói: "Thời gian vừa qua bên hãng cũng có nhận được một số phản hồi từ khách hàng liên quan đến sản phẩm Richy Karo. Riêng nhãn Karo này có tiếp nhận 03 trường hợp phản hồi từ khách hàng. Trong đó, 01 trường hợp đóng gói bị lỗi, 01 trường hợp không có thẻ cào khuyến mại; và trường hợp còn lại khách hàng tại Hà Nam khi bóc bao bì ra thì phát hiện sản phẩm bên trong bị mốc trắng".

Đối với trường hợp bánh bị mốc trắng tại Hà Nam, nhân viên Hồng cho biết: "Thời điểm tháng 04/2022 phía Công ty đang cho chạy chương trình khuyến mại “Mua 02 tặng 01”, những sản phẩm chạy chương trình đó khá cận date, cộng với thông tin từ phía nhà máy phản hồi từ mẫu sản phẩm thu hồi sau khi kiểm tra lô hàng này, phát hiện có hiện tượng lỗi trong khâu đóng gói bao bì của dây chuyền sản xuất, lý do công nhân đóng gói không kiểm soát chặt nên có hiện tượng vào hơi của sản phẩm, nên dễ bị mốc hơn".

Để tiếp tục làm rõ về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hỏng, mốc của sản phẩm, cũng như trách nhiệm của nhà sản xuất và phân phối liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía đại diện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai.

Sử dụng sản phẩm mốc có thể gây ung thư

Nhiều tài liệu cho thấy, nấm mốc sẽ xuất thiện trên các loại sản phẩm bắt nguồn từ hạt có dầu như lạc, đậu nành, hạt điều, hạt hướng dương,... thậm chí, nó có ở các loại lượng thực như gạo, ngô, sắn,... và ở các loại thức ăn gia súc khi khâu bảo quản và sản xuất không đạt tiêu chuẩn.

Một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm khi xuất hiện trên sản phẩm không đạt chất lượng là Alfatoxin do nấm Aspergillus flavus và Aspergllus parasiticus sản sinh ra trong gạo, ngô, đậu, lạc,... ẩm mốc. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, nó còn tích lũy dần dần trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư.

Độc tố Aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất, không những thế nó còn có thể tích lũy trong cơ thể người và động vật.

Các chuyên gia khuyến cáo khi khách hàng sử dụng sản phẩm thấy hình dạng, màu sắc, mùi vị đặc trưng bị biến dạng, hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì dù có phải tiêu hủy nó đi vẫn còn ít tốn kém hơn là phải chịu các chi phí khắc phục hậu quả do chính nó gây nên. Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do ăn phải độc tố của vi nấm, cần áp dụng các biện pháp đề phòng như: Không mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc, cũng như không nên tẩy rửa thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố chắc chắn sẽ còn lại bên trong.

Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu... để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.

Từ những thông tin phản ánh trên, đề nghị lực lượng chức năng có liên quan sớm vào cuộc xác minh sự việc nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng được bảo vệ. Tạp chí Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả ngay sau khi có thông tin mới nhất về sự việc này.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguoi-tieu-dung-to-san-pham-hong-richy-chon-cach-im-lang-a139845.html