Biến động mạnh từ đầu năm, liệu giá dầu có quay lại đỉnh cao?

Sự tăng giảm của giá dầu tác động mạnh đến tình hình kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn thế giới đối mặt ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vừa qua.

Ngày 24/11/2021, thị trường dầu mỏ toàn cầu lao dốc trước đà bán tháo khi biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Giá dầu WTI giao dịch trên sàn Nymex mất hơn 20% giá trị chỉ trong 5 ngày, rơi từ vùng đỉnh 78 USD về vùng đáy 62 USD.

Tuy nhiên, giá dầu đã phục hồi vào đầu năm nay, khi biến chủng Omicron được đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu tăng, giảm mạnh bất ngờ 3 tháng đầu năm 2022

Khi nhu cầu năng lượng gia tăng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn thắt chặt nguồn cung dầu; khủng hoảng địa, chính trị giữa Nga và Ukraine; các nước phương Tây gia tăng cấm vận dầu Nga;… đã đưa giá dầu vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, thiết lập đỉnh 130 USD/thùng sau 14 năm vào ngày 8/3.

Song, một lần nữa, giá dầu lại khiến thế giới bất ngờ khi mất gần 30% giá trị chỉ trong một tuần trước khi phục hồi trở lại. Nguyên nhân được nhận định là Saudi Arabia và UAE có thể tăng sản lượng khai thác dầu. Đây được xem là 2 quốc gia sản xuất dầu lớn duy nhất có thể tăng sản lượng dự phòng một cách tương đối dễ dàng.

Bên cạnh đó, nhiều nhận định cho rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn hàng đầu thế giới - có thể sụt giảm với chiến lược “Zero Covid-19”; những hy vọng về các giải pháp hòa bình cho chiến tranh giữa Nga và Ukraine; dầu Nga đang thu hút khách mua trở lại với mức chiết khấu cao;… cũng tác động không nhỏ đến thị trường.

Dự báo xu hướng giá trong năm 2022

Sự kiện giá dầu bật tăng trở lại cần hơn một cú hích từ thị trường. Đó có thể là việc kinh tế phục hồi sau đại dịch, cần dầu để phục vụ sản xuất, kinh doanh; hay mối quan hệ vẫn còn căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây khiến các nước này ngưng mua dầu hoặc tiếp tục các lệnh trừng phạt lên Nga. Không có dầu từ Nga, các quốc gia phương Tây phải tìm kiếm nguồn cung khác với giá đắt đỏ hơn, vô hình trung đẩy giá dầu lên cao.

Giá dầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố, với xu hướng tăng.

Theo thông tin tổng hợp từ Trading ViewFx Street và Oil Pricegiá dầu hứa hẹn còn biến động và có thể sớm quay lại thời kỳ đỉnh cao năm 2008, khi đạt đỉnh ở 147 USD/thùng. Theo dự báo của các ngân hàng lớn như JP Morgan hay Goldman Sachs, chu kỳ sóng ngành này thậm chí có thể đưa giá dầu tăng cao hơn đỉnh cũ.

Cụ thể, JP Morgan dự báo giá dầu có thể chạm mức kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu tình hình xuất khẩu của Nga tiếp tục gián đoạn kéo dài. Trên cơ sở dự đoán lượng dầu xuất khẩu của Nga “hụt” 1,6 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt, Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu trong năm 2022 và 2023 lần lượt lên 135 USD/thùng và 115 USD/thùng, tăng từ các mức dự báo trước đó là 98 USD/thùng và 105 USD/thùng.

Dự đoán giá theo phân tích kỹ thuật đồ thị

Ông Dũng Phan, nhà phân tích của Trung tâm kinh doanh tiền tệ Sacombank, cho biết: “Sau lần đảo chiều từ vùng đỉnh 130 USD vào ngày 8/3, giá dầu đã giảm 30% và tạo đáy tại vùng 93 USD vào ngày 15/3 tại ngưỡng hỗ trợ trung hạn SMA50 (đường trung bình 50 ngày) trước khi bật tăng trở lại tạo xu hướng phục hồi”.

Dự đoán giá dầu theo phân tích kỹ thuật đồ thị của Sacombank. Ảnh: Sacombank.

“Nếu nhìn rộng hơn từ các chu kỳ giá trong lịch sử, có thể thấy giai đoạn 2021-2022 đang có những dấu hiệu tương tự thời kỳ đỉnh cao của giá dầu, cụ thể là giai đoạn 2007-2008. Nếu các động lực này thực sự phù hợp, có thể nói giá dầu đang bắt đầu một con sóng tăng mới, mở rộng như thời kỳ 2007-2008 khi lập đỉnh ở 147 USD/thùng”, ông nói thêm.

Tổng kết lại, vị này dự đoán nếu ổn định trên mức 100 USD/thùng và vượt mức 130 USD/thùng, giá dầu giai đoạn sắp tới có thể mở rộng sóng tăng lên vùng Fibonacci 2.382 ở mức 160-180 USD/thùng, sau đó giảm bình ổn trở lại.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bien-dong-manh-tu-dau-nam-lieu-gia-dau-co-quay-lai-dinh-cao-a140268.html