Trắng tay vì Luna: Cú sốc tới nhà đầu tư 'phong trào'

Trắng tay vì Luna: Cú sốc tới nhà đầu tư 'phong trào' Sự sụp đổ của Luna, một token từng đứng trong danh sách 20 tiền số lớn nhất thế giới về mặt vốn hóa là cú sốc cho những nhà đầu tư đang chạy theo phong trào, bất chấp rủi ro.

Sự bất ổn của đồng tiền số

Từng có giá hơn 100 USD, Luna đã lao dốc xuống mức 0,0001 USD trong tuần qua, tức giảm cả triệu lần. Nếu một nhà đầu tư sở hữu số Luna trị giá 1 triệu USD trước tháng 5 thì tài sản của họ đã “bốc hơi” còn đúng 1 USD ở thời điểm hiện tại.

Từ khi ra đời, tiền ảo (crypto) được quảng cáo là nơi an toàn, lưu trữ giá trị hấp dẫn, có khả năng chống lạm phát. Nhưng sự sụp đổ của "coin top" như Luna đã mở ra "một trong những cú sập trong vòng xoáy tử thần lớn nhất lịch sử thị trường tiền điện tử" - theo Coin Telegraph, cho thấy thực tế rằng không có bất kỳ nơi nào là an toàn trên thị trường đầy rủi ro này.

"Thế giới tiền điện tử đang rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Sự mong manh thể hiện qua việc các loại tiền số đều đang ở quá trình thử nghiệm và chưa được kiểm soát", New York Times bình luận.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng cú “sập” của Luna đặt ra nhiều hoài nghi về tính ổn định của các tài sản tiền ảo. Hiện tại ngoài chính phủ El Salvador, không có quốc gia nào công nhận tiền ảo, biến động trong giá trị của tài sản này vẫn phụ thuộc vào cung cầu và sự tín nhiệm của thị trường. Nếu không có ai đầu tư, tiền ảo có thể đánh mất hoàn toàn giá trị, trong khi chính phủ của các quốc gia không thể can thiệp để đảm bảo giá trị của các tiền ảo đó.

Các quỹ đầu tư đang được “thần thánh hóa”?

Sự tăng trưởng trong quá khứ của Luna có sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư được xem như top-tier trong ngành crypto như Coinbase, Hashed, Delphi Digital, Binance Lab.

Đầu năm 2022, với giá 50 USD/Luna, Terra vẫn gọi vốn dễ dàng, cho thấy các quỹ rất tự tin Luna vẫn còn tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Ước tính, tổng số tiền Terra gọi vốn được trong năm 2021 là khoảng 175 triệu USD. Và giờ đây, con số đó chính thức trở về “cát bụi”. Nhưng thiệt hại không chỉ đơn giản ở tiền đầu tư. Hashed, Jump Crypto đều tham gia trở thành Validator của Terra, nghĩa là họ phải khóa lượng lớn Luna. Số Luna bị khóa này cần 21 ngày unstake mới được rút và bán trên thị trường, hiện tại cũng xem như mất trắng.

Các nhà đầu tư "phong trào" nếm trái đắng khi đầu tư tiền ảo Luna. Ảnh: CoinPost

Trên thực tế, các nhà nhà đầu tư có xu hướng “xuống tiền” theo các quỹ đầu tư, xem họ như bảo chứng cho sự thành công của dự án. Qua trường hợp của Terra và Luna, rõ ràng chúng ta không nên giao quyền quyết định cuộc chơi cho quỹ để rồi quên mất việc phòng ngừa khả năng thất bại.

Cái kết 'đắng' cho việc đầu tư chạy theo phong trào

Khi sắc đỏ đang bao trùm thị trường tài sản số và nhấn chìm thành quả của nhà đầu tư, giới đầu tư crypto tại Việt Nam đang đổ xô đi “bắt đáy” Luna với hy vọng gia tăng tài sản bằng lần.

Lời đâu chưa thấy, những nhà đầu tư nghe theo sự hô hào trên mạng xã hội, tranh thủ mua trong cơn bán tháo với giá vài USD/1 Luna đến nay đã phải phải chịu hậu quả “chia năm xẻ bảy” vốn gốc.

Rõ ràng, đồng tiền ảo này đang xuất hiện dấu hiệu bị FOMO mạnh mẽ, thu hút cả các F0 chưa từng có kinh nghiệm về giao dịch tiền mã hóa. Đây là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong sự biến động, nhiễu loạn của thị trường.

Theo các chuyên gia, người chơi mới tham gia crypto cần hiểu bản chất của thị trường cũng như nắm vững kiến thức cơ bản để hình dung được những khó khăn tiềm tàng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt và vạch ra chiến lược rõ ràng, F0 hoàn toàn có thể bị lay động, chạy theo phong trào, cuốn vào những giao dịch sai lầm và "đốt sạch" số tiền đang có.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/trang-tay-vi-luna-cu-soc-toi-nha-dau-tu-phong-trao-a140580.html