Mỹ và đồng minh đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Nga do chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Ảnh: Unian.ua
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ, EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh mẽ đối với Nga. Họ đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga, loại bỏ các tổ chức của Nga khỏi SWIFT và cấm đầu tư nước ngoài vào nước này.
Tác động của các lệnh trừng phạt này - vốn đã cắt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu - là rất nghiêm trọng. Lạm phát ở Nga đã tăng lên hơn 17% và có khả năng xu hướng này còn tiếp tục. Thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Hơn 750 công ty đã công bố kế hoạch đình chỉ hoặc chấm dứt các khoản đầu tư và hoạt động tại Nga. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu dự đoán rằng xung đột sẽ khiến nền kinh tế Nga suy giảm 10% trong năm nay, một sự sụt giảm đáng kinh ngạc trong hoạt động kinh tế.
Các biện pháp trừng phạt trên có sức tàn phá như vậy vì sự thống trị hiện tại của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu. USD là đồng tiền chính được sử dụng cho thương mại quốc tế và các giao dịch tài chính toàn cầu, cũng là dự trữ ngoại hối mà hầu hết ngân hàng trung ương nắm giữ. Vì phần lớn các khoản thanh toán quốc tế được thực hiện bởi các ngân hàng đại lý tại Mỹ, chúng tuân theo các quy tắc của Washington. Mỹ cũng có ảnh hưởng đáng kể đối với SWIFT, một hệ thống thanh toán xử lý hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.
Những lợi ích mà Mỹ được hưởng từ hệ thống hiện tại là rất lớn, từ dòng vốn dồi dào đến khả năng vay nước ngoài với giá rẻ, và từ việc không có chi phí ngoại hối hoặc rủi ro đối với hầu hết các giao dịch thương mại đến việc có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính như một loại "vũ khí" mạnh chống lại các đối thủ.
Mỹ coi các biện pháp trừng phạt là công cụ hiệu quả và ít rủi ro, với khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của một quốc gia khác mà không cần can thiệp quân sự. Đến nay, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau, từ các chế độ ở nước ngoài đến các ngân hàng Thụy Sĩ, và từ các công ty công nghệ Trung Quốc đến nhân viên của Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ điều tra xem các lực lượng Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không.
Các biện pháp trừng phạt này có thể gây ra hai hậu quả đáng kể.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có này có thể khiến một số nước tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị hiện nay. Nga và Trung Quốc đã phát triển các hệ thống tài chính riêng mà họ tuyên bố là những lựa chọn thay thế cho SWIFT, mặc dù việc tiếp nhận cho đến nay vẫn còn hạn chế .
Năm 2019, Nga và Trung Quốc đã đồng ý sử dụng đồng tiền quốc gia của họ trong giao dịch xuyên biên giới giữa hai nước để thay thế đồng USD. Trung Quốc cũng đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó có Nga. Sự phát triển của các loại tiền tệ kỹ thuật số cũng có thể là một bước trong việc soán ngôi của đồng đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của Mỹ còn có thể dẫn đến việc suy giảm dự trữ tiền tệ toàn cầu. Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, đã có một sự thúc đẩy rõ ràng giữa các quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong dự trữ quốc tế. Tỷ trọng dự trữ toàn cầu bằng đồng USD giảm từ 73% vào năm 2001 xuống 59% vào năm 2021. Khoảng một phần tư sự dịch chuyển khỏi đồng USD đã chuyển sang đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong khi không có đồng tiền nào khác thay thế hoàn toàn đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu trong thời gian gần và trung hạn, xu hướng hướng tới một hệ thống nhiều đồng tiền dự trữ đang dần được thiết lập và các lệnh trừng phạt bất thường đối với ngân hàng trung ương Nga gần đây có thể đẩy nhanh sự thay đổi này.
Hệ quả tiếp theo là sự phân cực. Cùng với việc đa dạng hóa dự trữ toàn cầu, rất có thể sẽ có một động lực mới cho sự phát triển của một hệ thống tài chính thay thế song song với hệ thống tài chính do Mỹ thống trị. Điều này sẽ dẫn đến sự phân cực khi thế giới chia thành các khối, làm mất ổn định quan hệ tiền tệ toàn cầu. Trong một hệ thống phân cực, nhiều giao dịch hơn sẽ diễn ra bên ngoài các kênh quy định hiện tại, khiến các nhà quản lý mất khả năng theo dõi và kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng việc vi phạm các chuẩn mực toàn cầu được Mỹ, các đồng minh và đối tác của họ thiết lập sẽ không được tha thứ. Nhưng phương Tây cũng sẽ phải trả giá cho những lệnh trừng phạt này. Nhiều khả năng, các quốc gia không thuộc phương Tây và một số quốc gia phương Tây cũng sẽ đánh giá lại rủi ro của việc tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị. Do đó, khả năng tận dụng sức mạnh kinh tế của mình trong tương lai và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ chi phối đang gặp thách thức.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cai-gia-cua-cac-lenh-trung-phat-nga-doi-voi-my-a140817.html