Thời gian qua, với việc sốt nóng của thị trường bất động sản thì cũng đã có hàng loạt vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra dưới nhiều hình thức như lừa bán “dự án ma”, bán “vịt trời” lừa thu tiền cọc,…
Không ít vụ việc đã được cơ quan chức năng điều tra và cảnh báo, tuy nhiên hiện tượng trên vẫn diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, trở thành một vấn nạn xã hội.
Hậu quả của hiện tượng trên không chỉ dừng ở việc khiến hàng trăm nạn nhân bị chiếm đoạt trái phép số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà nó còn làm méo mó thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Nhằm giải đáp phần nào về những nguyên nhân cũng như gợi mở một số giải pháp cho vấn đề trên, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với MarketTimes.
MarketTimes: Thưa bà, thời gian gân đây diễn ra liên tiếp những vụ việc lừa đảo bất động sản, để lại những hậu quả không nhỏ. Dư luận đang đặt ra câu hỏi phải chăng chế tài xử phạt hành vi này hiện chưa đủ sức răn đe?
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung:
Chế tài đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và lừa đảo bất động sản nói riêng đã được Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, theo điều 15, của Bộ Luật trên thì mức hình phạt nghiêm khắc nhất cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến mức tù chung thân.
Như vậy, có thể thấy, không hẳn chế tài hình sự của Việt Nam chưa nghiêm minh hoặc là việc thi hành án hình sự không nghiêm túc khiến các đối tượng nảy sinh ý định phạm tội.
MarketTimes: Đã có chế tài nghiêm khắc, vậy tại sao nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến bất động sản vẫn liên tiếp diễn ra thưa bà?
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nó có thể đến từ việc dù đã có chế tài nhưng việc áp dụng trong thực tiễn xét xử các vụ việc liên quan chưa triệt để.
Bên cạnh đó, do hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện nên đâu đó vẫn tồn tại một số “kẽ hở” để các đối tượng xấu trục lợi.
Chẳng hạn, có thể thấy, việc lừa đảo liên quan đến bất động sản thời gian qua chủ yếu liên quan liên quan đến phân khúc đất nền do dòng sản phẩm này đánh đúng tâm lý ưa thích đất nền đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người.
Trong khi đó việc quản lý, giám sát và theo dõi thực trạng về công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương còn nhiều lỏng lẻo, thậm chí là tiêu cực.
Bên cạnh đó, khi các vụ việc lừa đảo “bể kèo” thì việc chậm trễ, đùn đẩy của các cơ quan công an khi liên tục nhận định các kiểu lừa đảo này là giao dịch dân sự để không xử lý; thậm chí phát hiện những vi phạm hành chính cũng không chuyển cho cơ quan thẩm quyền là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty kinh doanh, môi giới bất động sản lộng hành.
Chẳng hạn như trường hợp Công ty Alibaba đã diễn ra từ năm 2019 với nhiều thông tin, nhiều tố cáo nhưng đến nay vẫn chưa xét xử, tuyên án
MarketTimes: Như vậy, có thể nói việc xử lý các vụ việc thường được xem là xử lý “phần ngọn”, vậy “gốc rễ” dẫn đến hiện tượng trên là do đâu thưa bà?
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung:
Như đã nói, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản có nhiều nguyên nhân. Có thể do những thông tin về các dự án bất động sản còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân khó khăn trong việc xác định dự án bất động sản nào có thật, dự án bất động sản nào không có thật, dự án bất động sản nào ở giai đoạn được phép huy động vốn.
Bên cạnh đó, nhìn chung, sự hiểu biết pháp luật của đại bộ phận người dân hiện nay còn không ít hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản. Các nhà đầu tư thường theo phòng trào, theo kinh nghiệm mà không tìm hiểu pháp luật, thiếu thông tin nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia vào các dự án không có thật.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, chúng ta còn khá thiếu cơ chế quản lý giám sát cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu tại các địa phương khi xảy ra các vụ việc lừa đảo lớn. Do đó, nhiều địa phương cán bộ rất thờ ơ khi có những thông tin về các đối tượng chuẩn bị thực hiện các hoạt động để lừa đảo người dân.
Chẳng hạn với những dự án ma, việc chậm phát hiện, chậm xử lý, khiến nhiều người tưởng dự án là có thật, vô tình đã tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trong một thời gian dài, chiếm đoạt rất nhiều tiền của nhiều nạn nhân sau đó mới bị xử lý.
MarketTimes: Vậy, những giải pháp có thể xem xét cho vấn đề trên là gì thưa bà?
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung:
Để đấu tranh với loại tội phạm này thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa như cần phải công khai minh bạch trong lĩnh vực bất động sản. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý về đầu tư, về xây dựng, nhà ở để kịp thời ra soát, chấn chỉnh các đơn vị huy động vốn trái phép liên quan đến bất động sản.
Khi phát hiện các dự án ma, dự án không có thật hoặc chưa đủ thủ tục mà đã huy động vốn thì các cơ quan chức năng cần phải can thiệp kịp thời, xử lý nghiêm minh, tránh trường hợp các đối tượng lừa đảo lừa gạt hàng trăm người mới bị xử lý.
Nếu việc chậm trễ để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cần có cơ chế quy trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đối với công tác xử lý các vụ việc cũng cần nhanh chóng kịp thời các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản, thậm chí xét xử lưu động, tuyên truyền cho người dân hiểu biết cách thức thủ đoạn của các đối tượng để phòng tránh.
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân có thêm thông tin, hiểu biết trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, cung cấp thông tin kịp thời về các dự án bất động sản đến người dân thì nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ ít hơn.
Xin cảm ơn bà!
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lua-dao-bat-dong-san-no-ro-che-tai-moi-xu-ly-phan-ngon-a140968.html