Hà Nội đã nhiều lần ra các văn bản đốc thúc chủ đầu tư tòa tháp phải khắc phục các sai phạm nghiêm trọng trong phòng cháy chữa cháy, chuyển nhượng tài sản không có sổ đỏ,... Tuy vậy, cho đến nay, dự án Tháp Doanh nhân vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục, bất chấp việc cư dân tại đây nhiều lần phải đưa đơn cầu cứu cơ quan chức năng.
Dự án bất động sản đầy tai tiếng
Dự án Tòa nhà hỗn hợp Tháp doanh nhân (số 1 đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong làm chủ đầu tư có diện tích 2.710m2 với 270 căn hộ. Theo thiết kế, tòa tháp có chiều cao 52 tầng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cao cấp cho khoảng hơn 1.000 người.
Được kỳ vọng trở thành biểu tượng tỉnh Hà Tây cũ khi toạ lạc tại vị trí đắc địa. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này liên tục mắc hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, trong nhiều đơn kêu cứu của cư dân tại đây, dự án này chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chưa ổn định điện nước sinh hoạt, chuyển nhượng một phần dự án không có sổ đỏ, nhiều hạng mục công trình sửa đổi khác với thiết kế ban đầu,...
Trước đó, Tháp Doanh nhân còn gây ra nhiều tai tiếng trong quá trình xây dựng. Năm 2011, nhiều khách hàng đặt cọc nhà còn tố chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục pháp lý đã huy động vốn và khởi công xây dựng.
Qua quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện ra dự án khởi công khi không có giấy phép xây dựng, xử phạt hàng chục triệu đồng. Dự án Toà tháp hỗn hợp Doanh nhân còn được liệt vào “danh sách đen” của Sở Xây dựng Hà Nội bởi những sai phạm nghiêm trọng.
“Mang tiếng là chung cư cao cấp nhưng không bằng nhà ở quê”
Không ít lần cư dân dự án này phải xuống đường treo băng rôn phản đối, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng với cam kết ban đầu. Tuy nhiên, việc đâu lại vào đấy, dự án chung cư cao cấp vẫn tiếp tục chây ỳ, không có dấu hiệu khắc phục.
Theo phản ánh của cư dân, trong cam kết, chủ đầu tư khẳng định sẽ bảo đảm các dịch vụ thiết yếu dành cho cư dân, trong đó có bể bơi, sân chơi sinh hoạt chung dành cho cả trẻ em và người lớn tuổi. Nhưng những dịch vụ này lại chưa được đưa vào sử dụng.
Hiện tại, chủ đầu tư đã hàn sắt các cổng lên sân thượng và lối thoát hiểm, làm ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy của chung cư.
Trong số 6 thang máy của dự án thì 2 thang máy dành riêng cho chủ đầu tư, chỉ có thẻ riêng mới có thể sử dụng. Còn 4 thang máy dành cho cư dân. Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống tại đây khẳng định, 2 thang máy liên tục bảo trì, không thể sử dụng trong 4 tháng nay.
Dù liên tục phản ánh, kiến nghị nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bắt tay vào sửa chữa, hàng trăm hộ dân vào chen chân sử dụng 2 thang máy còn lại.
Bà Thoa (62 tuổi) phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới lên được tầng 27 do thang máy gặp trục trặc. Không chỉ bà Thoa mà hàng chục người khác cũng phải vạ vật trước thang máy chờ đợi.
Chia sẻ với PV, bà Thoa không tránh khỏi sự bức xúc: “Điện đóm mất liên tục, ngày nào cũng như ngày nào, đều như vắt chanh, có ngày cao điểm mất lên đến 20 lần. Thanh máy hỏng, thang bộ đóng cửa, thế nếu có cháy thì chạy đằng trời.”
Điện chập chờn, không ổn định dẫn đến nhiều thiết bị bị hư hỏng. Riêng gia đình nhà bà Thoa đã hỏng liên tiếp 2 chiếc tivi, phải sửa chữa hàng triệu đồng.
Vì thế, nhiều người dân nói vui rằng, cứ đến chừng 3 giờ chiều, 5 giờ chiều, họ lại nhanh trí tháo các thiết bị đồ dùng để tránh hư hại. Việc này đã trở thành thói quen của cư dân chung cư.
Trước đó, các hộ dân khi dọn đến chung cư đều phải nộp 20 triệu đồng phí bảo trì. Nhưng cho đến nay, phí bảo trì ấy đang ở đâu, sử dụng với mục đích gì, còn lại bao nhiêu thì người dân không biết.
“Người dân ở đây ban đầu tưởng chủ đầu tư kẹt vốn nên cũng cũng đồng lòng để mong chờ họ khắc phục. Nhưng sau này, chúng tôi thấy văn phòng riêng của ông ấy làm hoàn chỉnh, khang trang như lâu đài. Còn ở dưới thì phó mặc cho người dân”- bà Thoa nói.
Bất cập khi nhiều năm chưa có sổ đỏ
Không có chỗ sinh hoạt chung, người dân ùa xuống sảnh chung cư để cho con em được vui chơi. Để chống chế người dân, sảnh chung cư không được bật mà chỉ le lói được chút ánh sáng.
Khi được hỏi, anh Phạm Văn Vinh (33 tuổi) cho biết: “Biểu tình, phản đối, viết đơn chúng tôi đã làm cả rồi nhưng vẫn không nhận được sự khắc phục. Để con trẻ chơi ở sảnh chung cư cũng chỉ là cách mà chúng tôi phản đối các quyết định của chủ đầu tư".
Chị Hoa, cư dân tại dự án Tháp Doanh nhân loay hoay làm giấy tờ cho con đi học tiểu học bởi gia đình chị vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
“Con đi học phải bỏ tiền để “chạy” vì không có sổ hộ khẩu, thậm chí giấy tờ tạm trú tạm vắng cũng không làm được. Chủ đầu tư thì hứa lên hứa xuống nhưng cho đến nay, tôi và hầu hết người dân ở đây đều chưa nhận được giấy tờ nhà đất. Điều này rõ ràng là dấu hiệu lừa đảo của nhà đầu tư”
Để xoa dịu sự bức xúc của cư dân, chủ đầu tư không lấy phí dịch vụ và phí gửi xe với lời hứa “khi nào có sổ mới thu phí dịch vụ”. Nhưng vẫn không thể giảm khúc mắc của cư dân.
“Chúng tôi thiết tha yêu cầu chủ đầu tư, hãy nhìn đến tính mạng của người dân mà làm đến nơi đến chốn, chứ đừng phó mặc sự an toàn mà để chúng tôi tự xoay xở một mình”- chị Hoa chia sẻ.
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với đại diện chủ đầu tư về các vấn đề của cư dân phản ánh, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cu-dan-thap-doanh-nhan-ha-dong-keu-cuu-vi-nhung-sai-pham-cua-chu-dau-tu-a141305.html