Công ty An Phát chi hơn 4.253 tỷ đồng thâu tóm 36,65% vốn Sudico

Công ty CP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát đã mua hơn 41,7 triệu cổ phiếu SJS, chiếm 36,6521% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: SJS). An Phát bất ngờ tăng vốn gấp 15 lần lên 1.800 tỷ đồng ngay trước thềm tham gia đấu giá cổ phiếu SJS.

Dự án Nam An Khánh đang trong quá trình xây dựng chính là
Dự án Nam An Khánh đang trong quá trình xây dựng chính là "miếng bánh" hấp dẫn nhất trong cuộc đua thâu tóm Sudico. (Ảnh: Lê Đoàn).

Ngày 28/4, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát (Công ty An Phát) đã có báo cáo gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) về việc trở thành cổ đông lớn tại Sudico.

Cụ thể, trong cuộc đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 27/4, Công ty An Phát đã thực hiện mua hơn 41,7 triệu cổ phiếu SJS, tương ứng 36,6521% vốn điều lệ của Sudico thông qua. Trước đó, nhà đầu tư này không sở hữu bất kỳ cổ phiếu SJS nào. Mức giá trúng bình quân là 102.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 100 đồng so với giá khởi điểm và cao hơn 29% thị giá hiện tại, tương đương tổng giá trị trên 4.253 tỷ đồng.

Còn nhớ hồi tháng 7/2021, HĐQT Tổng Công ty Sông Đà đã phê duyệt phương án thoái vốn tại Sudico với mức giá chốt bán chỉ là 80.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu về hơn 3.340 tỷ đồng.

Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu SJS trên thị trường chứng khoán trong nhiều tháng qua đã tăng rất mạnh kể từ tháng 10/2021. Từ vùng 60.000 đồng/cổ phiếu, thị giá SJS đã tăng vọt lên đỉnh 90.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 14/1, tức  tăng khoảng 50% trong vòng 3 tháng. Đây có thể là lý do khiến Sông Đà điều chỉnh tăng giá khởi điểm thoái vốn tại Sudico lên 101.900 đồng/Cổ phần, tổng giá trị lô cổ phiếu SJS là khoảng hơn 4.249 tỷ đồng.

Được biết, Sudico là doanh nghiệp Nhà nước, thành viên của Tổng công ty Sông Đà, được thành lập vào ngày 12/9/2001. Đến năm 2003, Sudico chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và qua nhiều đợt tăng vốn đã lên vượt ngưỡng 1.148 tỷ đồng hiện tại.

Sudico từng là "ông lớn" trên thị trường bất động sản sở hữu khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì quy mô 36 ha, có vị trí đắc địa tại phía Tây Hà Nội. Dự án này có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, là một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000. Tuy nhiên sau năm 2010, doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trồi sụt khi liên tục báo lỗ nhiều năm (2011 - 2012). Năm 2020, lãi ròng SJS chỉ vào khoảng 31 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 kết quả năm 2019.

Sau kiểm toán, Sudico ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 84.187.188.430 đồng, tăng so với mức hơn 63,3 tỷ đồng trước khi kiểm toán.

Theo báo cáo tài chính năm 2020, Sudico vẫn đang mắc kẹt tại hàng loạt dự án bất động sản như: dự án khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng với 1.164 tỷ đồng; dự án Văn La - Văn Khê - Hà Đông 527 tỷ đồng; dự án Tiến Xuân 153 tỷ đồng; dự án khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 108 tỷ đồng. Các dự án Hòa Hải, Văn La, Tiến Xuân, Ngọc Vừng vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục pháp lý.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, lãnh đạo Sudico cho biết, công ty đang ở trong tình trạng thiếu tiền mặt. Để giải quyết các vấn đề cân đối dòng tiền, Sudico có triển khai thực hiện các phương án hợp tác đầu tư nhằm mục đích đảm bảo tiến độ dòng tiền để sản xuất kinh doanh, khởi động lại các dự án.

Dù vậy, quỹ đất dự án rộng lớn trải dài tại nhiều tỉnh thành lớn khiến cho cổ phiếu Sudico được các “cá mập” chờ đợi để thâu tóm khi Sông Đà thực hiện thoái vốn 41,7 triệu cổ phần thông qua đấu giá.

Đáng ngạc nhiên, trước thềm tham dự đợt đấu giá cổ phiếu SJS khoảng 7 tháng, Công ty An Phát bất ngờ tăng vốn điều lệ rất mạnh từ 120 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng và thay Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977). Hiện ông Huy cũng đang đứng tên ở Công ty Cổ phần Mặt trời Sông Hồng, pháp nhân có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Sông Hồng Thủ đô có quy mô hơn 44 ha.

Công ty An Phát ra đời vào ngày 15/12/2016, hiện trụ sở chính đặt tại tòa nhà Lotus, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm ban đầu, công ty chỉ có vốn điều lệ 40 tỷ đồng do 3 cá nhân góp vốn là bà Mạc Thị Luận (1973), Võ Thị Thanh Trà (1981) và ông Quách Đức Sơn (1980), Chủ tịch HĐQT và cũng là người sở hữu 92% cổ phần.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2022, Sudico ghi nhận doanh thu thuần 192 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng, giảm 53%. So với kế hoạch kinh doanh là 951 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Sudico mới chỉ thực hiện lần lượt 20% và 9% hai chỉ tiêu quan trọng nhất này.

Tại thời điểm 31/3/2022, hơn nửa tài sản Sudico là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang khu đô thị Nam An Khánh với 3.389 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm của Sudico có diện tích sử dụng đất 288,8 ha, trong đó 15,3 ha trong dự án khu vực xã An Khánh được quy hoạch làm khu dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Tổng diện tích đất quy hoạch cho xây dựng khu đô thị mới là 189,7 ha. Dự án nhận được quyết định đầu tư từ năm 2004 và kỳ vọng đến 2008 hoàn tất. Tuy nhiên, phải đến 2013, sau khi đợt kiểm tra các dự án bất động sản, khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội kết thúc thì dự án mới được thúc đẩy.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-ty-an-phat-chi-hon-4253-ty-dong-thau-tom-3665-von-sudico-a141319.html