Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung: Trách nhiệm với tài sản của quốc gia

Có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, phí, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng…, trách nhiệm của địa phương với môi trường, xã hội và tài nguyên của quốc gia hiện nay ra sao?

Đề xuất thành lập bộ máy riêng để quản lý khoáng sản

Trước tình trạng khó khăn trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý, ông Đoàn Quang Phi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đề xuất: "Dù năm 2007, huyện Yên Định đã có Quyết định thành lập làng nghề đá Yên Lâm (tỉnh đa quy hoạch thành Khu công nghiệp) thuộc thẩm quyền quản lý của huyện, thị trấn hỗ trợ quản lý.

Còn ông Hoàng Văn Tiến – Trưởng phòng TNMT huyện Yên Định khẳng định rằng, Yên lâm so với mặt bằng chung đã thực hiện tốt công tác quản lý, đã thành lập làng nghề để quản lý, rà soát kiểm tra lại tổng thể hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp trên tinh thần chấn chỉnh lại (chưa hoàn thiện hồ sơ, chưa thực hiện đúng yêu cầu đối với doanh nghiệp), đã nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp sai phạm thực hiện khắc phục.

Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 4): Trách nhiệm với tài sản của quốc gia - Ảnh 1.

Hoạt động khai thác đá tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Văn Hoàng

Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã đến đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa từ cuối tháng 12/2021; tuy nhiên sau khi tiếp nhận thông tin, Chánh Văn phòng sở này không phản hồi. Khi phóng viên liên hệ lại, được biết nội dung đã được báo cáo Phó Giám đốc sở, sau đó được giao cho ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản.

Đến ngày 18/5/2022, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa dù đã nhiều lần liên hệ.

Còn tại tỉnh Nghệ An, chưa bao giờ câu chuyện về quản lý, khai thác, thu ngân sách liên quan đến khai thác khoáng sản nói chung và đá trắng nói riêng lại "nóng" như hiện nay. "Nóng" từ vùng mỏ đến nghị trường Họp hội đồng nhân dân tỉnh.

Là người quản lý ở một trong những xã có nhiều hoạt động khai khoáng (đá và thiếc) nhất của tỉnh, ông Trương Văn Hóa – chủ tịch UBND xã Châu Hồng đề nghị nhà nước kiểm tra xử lý nghiêm tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Bởi theo ông Hóa đối với thẩm quyền cấp xã chỉ kiểm tra, lập biên bản mỏ sai phạm rồi báo cáo UBND huyện xử lý.

Trước tình trạng nhiều cơ sở khai thác chế biến "mọc" rải rác trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đề xuất hình thành Khu công nghiệp và thành lập bộ máy quản lý khoáng sản, cụ thể bộ máy này do tỉnh quản lý, thành lập bộ máy ở huyện, để tăng hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (Phòng quản lý khoáng sản huyện Quỳ Hợp).

Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 4): Trách nhiệm với tài sản của quốc gia - Ảnh 3.

Mỏ khoáng sản của Công ty TNHH Tòa Thắng có dấu hiệu khai thác trước khi được cấp phép và vượt công suất tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: ĐT

Theo ông Tùng, hiện tại ở Quỳ Hợp các xưởng chế biến ở đa phần nhà máy có từ thời trước, thời này tiếp nhận hậu quả. Các xưởng này xây dựng không bài bản, không được đầu tư hạ tầng nên rất khó quản lý (khác với Khu công nghiệp của tỉnh, có điện, đường, trường, trạm, ban quản lý riêng, công trình xử lý môi trường, quy chế hoạt động...). 

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có giấy phép, đã đầu tư cơ sở hạ tầng cũng không thể xử phạt, buộc dừng hoạt động được. Chính vì vậy huyện Quỳ Hợp rất cần 1 Khu công nghiệp, cần có bộ máy quản lý để xử lý các doanh nghiệp sai phạm.

"Khoáng sản là tài nguyên của quốc gia chứ không phải của Quỳ Hợp, vì nằm trên địa bàn Qùy Hợp nên Qùy Hợp phải quản lý. Tuy nhiên không có bộ máy quản lý riêng về khoáng sản, nguồn lực hạn chế và quản lý tài nguyên nhưng huyện không được gì bởi các loại thuế, phí về tài nguyên môi trường nộp vào ngân sách. Phòng tài nguyên chỉ có 5 người, khối lượng công việc lớn" - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nói.

Được biết, hiện ở Quỳ Hợp có những doanh nghiệp được cấp khai thác thời hạn 30 năm nhưng 1 năm đã khai thác quá trữ lượng cho phép. Một số doanh nghiệp mong muốn nộp thuế vượt trữ lượng tuy nhiên theo quy định của pháp luật, khai thác vượt quá trữ lượng cho phép là trái phép.

Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 4): Trách nhiệm với tài sản của quốc gia - Ảnh 4.

Theo Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cần có một Phòng quản lý về khoáng sản riêng. Ảnh: ĐT

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp cho biết: "Có một vài mỏ cá biệt khai thác vượt công suất".

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, chủ yếu khai thác đá, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh cấp.

Thời gian qua các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, thị trấn đã vào cuộc xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật vi phạm, khởi tố nhiều vụ án, bị can.

Còn nhiều bất cập và hạn chế trong quản lý, khai thác khoáng sản

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An diễn ra cuối năm 2021, ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho rằng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đá trắng, quặng thiếc gây ô nhiễm môi trường.

Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 4): Trách nhiệm với tài sản của quốc gia - Ảnh 5.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Văn Hoàng

Cũng tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An diễn ra cuối năm 2021, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 cán bộ bố trí về 428 xã trên địa bàn. Gần 3 năm triển khai, tình hình phạm pháp ở cơ sở giảm đi nhiều. 

Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, lực lượng công an xã đã tham gia phát hiện 238 vụ, với hơn 250 đối tượng, qua đó thấy được sự vào cuộc của lực lượng công an xã trong khai thác khoáng sản trái phép.

Ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến. 

Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tác động xấu đến môi trường. Làm hỏng hạ tầng, nhất là đường xá, khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Quý cho rằng: "Thời gian tới, các bên có trách nhiệm phải kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, không khuất tất, không bao che cho việc khai thác khoáng sản trái phép, không đúng quy định, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường".

Trong năm 2021, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, khởi tố, xử lý hình sự 22 vụ, 29 đối tượng phạm tội trong lĩnh này. Trong đó, Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.466 vụ với 1.530 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 4): Trách nhiệm với tài sản của quốc gia - Ảnh 6.

Buôn bán khoáng sản thô là một trong những nguyên nhân thất thu thuế. Ảnh: Văn Hoàng

Được biết, ngày 21/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 3892 về việc thành lập các đoàn liên ngành, thanh tra kiểm tra 12 doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều nhận định liên quan đến các hoạt động về khoáng sản như khai thác sai thiết kế, thất thu thuế,… Đoàn đã tiến hành kiểm tra Công ty CP Đồng Tiên tại Quỳ Hợp, truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng, trình UBND tỉnh xử phạt trên 340 triệu đồng.

Đối với vấn đề thuế, phí, trao đổi với phóng viên đại diện Chi cục thuế khu vực Phủ Quỳ 1, có trụ sở tại thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp - Nghệ An) cho biết: "Việc khai thác trên địa bàn không chỉ liên quan đến ngành thuế mà nhiều đơn vị khác nữa như Tài nguyên Môi trường, Công an tỉnh…

Nhưng chúng tôi không hề bàng quang hay chủ quan, chức năng của cơ quan thuế là tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn kê khai, các đơn vị tự chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Đặc biệt khi thanh tra kiểm tra chỉ là hậu kiểm, còn khi họ đã chở đi thì sao cơ quan thuế có thẩm quyền dừng xe được. Chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt hơn".

Hệ lụy từ những công trường khai thác đá "khủng" nhất bắc miền Trung (Bài 4): Trách nhiệm với tài sản của quốc gia - Ảnh 7.

Bột đá trắng được vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Văn Hoàng

"Tính minh bạch trong kê khai thuế ở Quỳ Hợp rất khó, doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận của họ, chúng tôi cơ quan quản lý nhà nước về thuế làm sao thu được triệt để nhất, nhưng quan điểm của chúng tôi càng minh bạch càng tốt, tuân thủ pháp luật càng cao càng tốt. 

Ví dụ trong quy định của Luật Khoáng sản như lắp camera, trạm cân nhưng có một số nơi không lắp với lý do vùng sâu vùng xa không có sóng không chuyển được dữ liệu về nguồn, không có mặt bằng để lắp trạm cân…" đại diện lãnh đạo Chi cục thuế Khu vực Phủ Quỳ 1 nói.

Việc Bộ cấp phép, tỉnh cấp phép, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, nhưng chính quyền cấp xã là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn. Thêm nữa sự "nhập nhèm" trong việc khai thác đá trắng (đá vân trắng, đá trắng thường cũng khác nhau), đá hoa trắng, đá hộc trong một khu mỏ cũng gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ.

Câu chuyện quản lý tài nguyên khoáng sản đòi hỏi sự phối hợp quản lý giữa cơ quan chức năng và trách nhiệm của các nhà quản lý. Tài nguyên khoáng sản là của quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần thể hiện được năng lực, tài lực trong khai thác khoáng sản, nếu không khai thác thì có doanh nghiệp khác khai thác, tài nguyên không khai thác để càng lâu càng có giá trị. Cơ quan quản lý, nhà nhà có trách nhiệm quản lý, bảo vệ…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/he-luy-tu-nhung-cong-truong-khai-thac-da-khung-nhat-bac-mien-trung-trach-nhiem-voi-tai-san-cua-quoc-gia-a141395.html