Vì sao cổ phần hóa, thoái vốn mãi vẫn chậm?

Trong 05 năm, từ 2016 - 2020, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch. Dù đã được quan tâm nhưng trong năm 2021 cũng chỉ có 04 doanh nghiệp cổ phần hóa. Vì sao lại chậm thoái vốn Nhà nước, chậm cổ phần hóa như vậy?

Trong báo cáo về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt kế hoạch yêu cầu đề ra.

Sự chậm trễ đó, được lý giải bởi hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn còn chồng chéo. Thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian.

Ảnh minh họa internet
Vì sao cổ phần hóa, thoái vốn mãi vẫn chậm? Ảnh minh họa internet.

Trong đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp là một trong những điểm nghẽn rất lớn. Bởi điều này liên quan đến giá đất, trong khi giá đất trên thị trường thay đổi liên tục “nay thế này, mai thế khác”. Đại diện doanh nghiệp đã từng lên tiếng, việc xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, doanh nghiệp sợ nhất là "ông" đất. Hơn nữa, chính sách cổ phần hóa thay đổi khiến doanh nghiệp không theo kịp. Vì vậy, doanh nghiệp làm rất sợ bị sai do chính sách không rõ.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là tư tưởng không muốn cổ phần hóa, tâm lý sợ trách nhiệm của một số lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo tập đoàn. Năng lực quản trị, quản lý của người đại diện chủ sở hữu, người điều hành doanh nghiệp chưa cao. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc chưa xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tập thể cố tình trì hoãn, kéo dài cổ phần hóa, thoái vốn.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội nêu rõ, tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.

Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện sắp xếp lại DNNN theo hướng tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN. Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng của quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số DNNN then chốt Nhà nước cần đầu tư và nắm giữ vốn theo quy định.

Yêu cầu của Quốc hội về cổ phần hóa, thoái vốn đã được lượng hóa bởi những con số cụ thể. Điều này, đòi hỏi Chính phủ phải hiện thực hóa bởi những kế hoạch, lộ trình chi tiết, cụ thể. Cùng với đó là gắn trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến thực hiện nhiệm vụ này.

Để góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP, theo đó, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức.

Muốn thực hiện tốt cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này là rất cần thiết. Cùng với đó, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với những trường hợp cố tình kéo dài, chậm trễ cổ phần, thoái vốn vì lý do chủ quan. Chỉ khi chế tài xử lý này được thực hiện triệt để thì tình trạng “chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tồn tại năm nào Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội” mới không tái diễn.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-co-phan-hoa-thoai-von-mai-van-cham-a141416.html