Tháng 10/2021, tại một quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu mua Mua sắm tập trung trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 và trang thiết bị dạy học tại một tỉnh miền Trung giá trúng thầu là 39.546.093.000 đồng (giá dự toán là 39.963.400.000 đồng).
Tại gói thầu này, nhà thầu sẽ cung cấp cho đơn vị 116 loại trang thiết bị, Danh mục hàng hóa trúng thầu của nhà thầu Incom. Trong gói thầu này, nhiều thiết bị mua sắm có dấu hiệu bị đội giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.
Cụ thể, đối với sản phẩm Tivi Arirang AR- 6501S trong Danh sách hàng hóa trúng thầu có giá thị trườnggiao động từ 19 triệu – 20 triệu đồng/cái (số lượng mua là 978 cái tổng giá khoảng 18.582.000.000 đồng đến 19.560.000.000 đồng) giá trúng thầu là 30.768.000/cái (khoảng 30.091.104.000 đồng).
Máy chiếu đa năng NEC NPMC422XG/ Dalite P70TS trong danh mục có giá thị trường là 20 triệu/bộ (có 131 bộ Máy chiếu đa năng được mua có giá khoảng là 2.620.000.000 đồng) trong khi giá trúng thầu là 29.199.000 (tính theo số lượng 131 bộ là 3.825.000.000 đồng).
Máy điều hòa nhiệt độ Mitsubishi Electric MU/MS-JS35VF có giá trên thị trường khoảng 11.390.000 đồng nhưng giá trúng thầu là 14.129.000 đồng chênh nhau khoảng 2.739.000 đồng (có 47 cái được mua).
Tương tự, cũng tại một quyết định trong năm 2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại tỉnh miền Trung này, về mua sắm tập trung trang thiết bị dạy học có giá trúng thầu 20.733.400.000 đồng. Giá dự toán là 20.963.300.000 đồng.
Qua khảo sát giá của thiết bị màn hình tương tác Model: NewSmart TX75 có giá thị trường của thiết bị này khoảng 91 triệu/bộ; trong khi giá trúng thầu là 170 triệu 500 ngàn đồng/bộ. Với số lượng 60 bộ có giá thị trường khoảng 5.460.000.000 đồng nhưng giá dự toán cũng như giá trúng thầu là hơn 10 tỷ đồng.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thông qua các hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.
Theo điều 222, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi được quy định tại khoản 1, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quang-ngai-dau-hieu-nang-gia-hon-chuc-ty-dong-trong-mua-sam-trang-thiet-bi-a142123.html