Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 63 DA cần rà soát tiến độ. Điển hình trong số các DA chậm tiến độ là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, được triển khai tại khu “đất vàng” số 2 Nguyễn Tri Phương, TP Huế. DA này do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế làm chủ đầu tư; được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu năm 2017, điều chỉnh lần thứ nhất năm 2018. DA có diện tích sử dụng đất 2.577,8m2, công suất 260 giường bệnh, gồm các khu khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; các phòng lưu trú tiêu chuẩn cao cấp phục vụ chỗ ở cho người nhà bệnh nhân và khu dịch vụ ăn uống, hội họp...
Tổng vốn đầu tư DA khoảng 400 tỷ đồng. Theo tiến độ cam kết, DA phải hoàn thành đưa vào hoạt động ở quý I/2021. Tuy nhiên, đến nay DA vẫn bị chậm tiến độ và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho gia hạn thêm 24 tháng. Theo quyết định gia hạn tiến độ, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao trách nhiệm cho Cục Thuế tỉnh xác định khoản tiền tương ứng với mức tiền thuê đất mà Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế phải nộp cho Nhà nước trong thời gian gia hạn (24 tháng tính từ ngày UBND tỉnh ban hành quyết định gia hạn); gửi thông báo nộp tiền cho Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế và các đơn vị liên quan được biết để thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Thanh tra của đơn vị công khai nội dung tiến độ sử dụng đất chậm quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong DA đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật đất đai, trên trang thông tin điện tử của Sở TN&MT và cung cấp thông tin cho Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý Đất đai theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Chi cục Quản lý đất đai phải giám sát tiến độ sử dụng đất của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế. Trường hợp hết thời gian gia hạn sử dụng đất, nếu Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế chưa hoàn thành DA đưa vào sử dụng thì thực hiện xử lý vi phạm và tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu Sở KH&ĐT giám sát tiến độ đầu tư, xây dựng để đôn đốc, hỗ trợ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ đầu tư, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ cam kết, chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật và giám sát của các cơ quan có thẩm quyền; khi hết thời hạn được gia hạn mà vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa DA vào hoạt động thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất…
Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế (trái) và dự án Tổ hợp Tòa nhà làm việc (phải) chậm tiến độ.
Tương tự, một DA khác cũng thi công ì ạch, nằm tại vị trí được cho là “đất vàng” của TP Huế là DA Tổ hợp tòa nhà làm việc (số 4, đường Hà Nội) do Tập đoàn VNPT trúng đấu giá khu đất và ủy quyền Viễn thông Thừa Thiên-Huế thực hiện. DA được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/4/2012 với tổng vốn đầu tư 58,6 tỷ đồng. Theo bản cam kết của đơn vị được ủy quyền thực hiện, DA dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng quý I/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, DA đã xây dựng cơ bản xong phần thô 7 tầng nổi và 1 tầng hầm nhưng chậm tiến độ đáng kể so với cam kết.
Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, nguyên nhân chính khiến DA bị chậm tiến độ là do chệnh lệch khối lượng, hạng mục giữa hợp đồng EC đã ký và thực tế triển khai, cộng thêm việc trượt giá của nguyên vật liệu do DA kéo dài thời gian thực hiện đã dẫn đến chi phí thực hiện công tác thi công xây dựng giai đoạn 1 của DA vượt giá trị hợp đồng đã ký. Do đó, trong thời gian qua nhà thầu thi công cầm chừng và nhiều lần có văn bản gửi chủ đầu tư để đề xuất giải quyết liên quan đến việc chênh lệch khối lượng và trượt giá nguyên vật liệu thi công. Qua tổ chức kiểm tra nhà đầu tư cam kết hoàn thành quý IV/2022.
Điển hình những DA tọa lạc tại đất vàng ven biển “treo” hơn 1 thập kỷ khiến người dân địa phương bức xúc là DA Khu du lịch Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). DA xây dựng khu nghỉ dưỡng với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng, diện tích thuê đất 100ha. DA dự kiến khởi công vào đầu năm 2009 và đến tháng 8/2014 sẽ hoàn thành.
Tháng 9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bãi Chuối. Trong đó, tổng diện tích đất đai phạm vi lập quy hoạch bao gồm khu vực Bãi Cả (quy mô khoảng 120ha) và khu vực Bãi Chuối (quy mô khoảng 100ha) được phân thành các khu chức năng cụ thể gồm khu vực Bãi Cả, khu vực Bãi chuối. Quy mô khách du lịch và nhân viên phục vụ khoảng 5.500 người/ngày.
Theo đồ án, mục tiêu nhằm cụ thể hóa định hướng về tổ chức và phân khu chức năng của Khu kinh tế theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, góp phần quan trọng trong việc khai thác quỹ đất ven biển phù hợp và hiệu quả nhất… Tuy nhiên, có mặt tại DA này vào một ngày cuối tháng 5/2022, DA hiện chỉ mới làm xong tuyến đường ngắn, cả khu đất bạt ngàn vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm rất lãng phí. Trong khi đó, người dân địa phương lại “khát” đất để trồng rừng kinh tế, sản xuất, chăn nuôi…
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các DA “treo”, chậm tiến độ là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định của pháp luật liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thay đổi, khung giá đền bù có khoảng cách lớn so với giá cả thị trường, đơn giá đền bù được điều chỉnh hằng năm dẫn tới phải thường xuyên tính toán, bổ sung.
Việc bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng đúng nhu cầu. Cũng theo ông Phan Quốc Sơn, các nhà đầu tư khi đề xuất DA do chưa nắm rõ quy trình, thủ tục trong quá trình triển khai dự án nên đề xuất tiến độ dự án chưa phù hợp, dẫn đến nhiều DA chậm tiến độ, phải điều chỉnh tiến độ thực hiện DA nhiều lần; một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và năng lực triển khai so với DA đề xuất.
Ngoài ra, thủ tục đầu tư triển khai DA nằm ở nhiều văn bản pháp luật liên quan khác nhau và có nhiều thay đổi, điều chỉnh, một số văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định ban hành chưa kịp thời hoặc chưa được ban hành nên việc thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước trong đầu tư còn gặp một số khó khăn, vướng mắc…
Được biết, hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai khoảng 324 DA. Qua rà soát, trong gian đoạn từ năm 2016 đến nay, Sở KH&ĐT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hoạt động 62 DA. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi đối với các DA chậm tiến độ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lang-phi-cac-du-an-toa-lac-tai-dat-vang-o-thua-thien-hue-a143491.html