Đồng loạt xử lý công trình không phép

Trên đất nông nghiệp, người tùy tiện xây nhà rồi vào ở, kẻ thì bị nhắc nhở và cưỡng chế, điều này khiến nhiều người ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thắc mắc và yêu cầu giải thích rõ

Ở Bình Dương, nhắc đến xây dựng không phép thì không thể không kể đến thị xã Tân Uyên. Đây là địa phương được xem là điểm nóng mới nổi, với tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc Mua đất bằng giấy tay sau đó xây dựng nhà trong khu quy hoạch diễn ra tràn lan.

Đó là chuyện của... quá khứ!

Anh N.X.T (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết cách đây 3 năm, với mong muốn sớm an cư, anh mua mảnh đất nông nghiệp có diện tích 80 m2 tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. "Lúc mua, chủ đất cam kết xây dựng thoải mái. Để tôi tin, chủ đất chỉ sang những căn nhà gần đó nói họ xây được hết thì không lý do gì mình không xây được. Vì vậy, tôi mới tin tưởng lăn tay. Nhưng không ngờ, năm 2021, khi xây nhà lại bị địa phương… nhắc nhở" - anh T. mở đầu câu chuyện.

Theo anh T., dù khi bắt đầu xây nhà đã bị địa phương xuống nhắc nhở nhưng anh vẫn nghĩ họ chỉ nhắc cho có "trách nhiệm" nên cứ cho thợ thi công rầm rộ, đến lúc bị nhắc lần 2 thì anh cẩn thận hơn, cho thợ làm cả ban đêm và ngày chủ nhật. Thế nhưng, khi xây xong phần thô thì cán bộ địa phương xuống tận nhà dán thông báo cưỡng chế công trình xây dựng không phép. "Đến lúc này, tôi mới tá hỏa là không phải họ hù dọa. Khổ nỗi nhà đã xây xong phần thô, cũng mất hết mấy trăm triệu đồng nên tôi đi năn nỉ, xin xỏ các kiểu, đồng thời cũng hỏi thẳng tại sao những căn nhà gần đó lại xây được, mà tôi thì không… Nhưng sau cùng vẫn bị cưỡng chế, tháo dỡ. Vậy có phải là làm việc tùy tiện, bên trọng, bên khinh" - anh T. bức xúc nói và đề nghị ngành chức năng vào cuộc xử lý cho công bằng.

 

Đồng loạt xử lý công trình không phép

 

Cưỡng chế, tháo dỡ nhà xây dựng không phép ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp của anh T. không phải duy nhất. Lý giải việc này, ông Lê Duy Hậu, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Tân Uyên, cho rằng cái khó trong xử lý xây dựng không phép là nhiều hộ gia đình cố tình né cơ quan chức năng bằng cách tổ chức xây dựng vào ban đêm, các ngày nghỉ, ngày lễ. Mặt khác, việc xây dựng không phép không diễn ở các tuyến đường trục chính mà có xu hướng đi vào các nơi xa xôi ngoài khu dân cư để làm nhà kho, xưởng. "Một nguyên nhân khác là cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn thiếu và yếu, phần lớn đều phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến kiểm tra, xử lý bước đầu tại các xã, phường chưa sâu sát và triệt để, gây nên khó khăn cho quá trình xử lý sau này" - ông Hậu thừa nhận.

Tuy nhiên, theo ông Hậu, kể từ năm 2021, để chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, giấy viết tay gây bức xúc trong dư luận, Phòng Quản lý đô thị thị xã Tân Uyên đã thực hiện luân chuyển, bố trí nhân viên Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã về phụ trách tại UBND các xã, phường để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, xử lý ngay từ đầu, tạo sự chủ động, thường xuyên và liên tục trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Theo đó, trường hợp của anh T. đã bị xử lý cưỡng chế theo quy định.

Kỷ luật cán bộ, xử lý rốt ráo

Cũng theo ông Lê Duy Hậu, sau khi thực hiện luân chuyển cán bộ, chỉ riêng trong năm 2021, Phòng Quản lý đô thị thị xã Tân Uyên đã tăng cường kiểm tra với tổng cộng gần 1.500 lượt. Qua đó, phát hiện 93 công trình xây dựng sai giấy phép, 52 công trình xây dựng không có giấy phép. Trong đó, số trường hợp xây dựng vi phạm sau khi được kiểm tra, xử lý đã tự tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm là 76 trường hợp. So với năm 2020, tổng số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Tân Uyên đã giảm 38,5%, công tác quản lý trật tự xây dựng tại các xã, phường đã có nhiều chuyển biến tích cực, mọi công trình xây dựng trên địa bàn đều được phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng của người dân ngày càng được cải thiện.

"Đặc biệt, chúng tôi công khai, phổ biến các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thị xã và quy trình, quy định về cấp giấy phép xây dựng để người dân được biết và chấp hành. Kiên quyết xử lý dứt điểm ngay từ đầu - tức là từ khi làm móng công trình, buộc trả lại hiện trạng ban đầu, tránh tình trạng kéo dài trong quá trình xử lý để công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, gây thiệt hại lớn cho người vi phạm" - Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Tân Uyên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, cho rằng chính vì ngay từ đầu chính quyền không cương quyết khiến cho người dân tin rằng ai cũng có thể xây dựng, hệ lụy là quy hoạch bị băm nát, dẫn đến việc xuất hiện nhiều khu nhà ở nhếch nhác. "Ngoài việc chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý, chúng tôi cũng đưa ra mốc thời gian để xử lý các công trình xây dựng không phép trước đó để người dân không thắc mắc" - ông Tươi nói.

Theo đó, kế hoạch mà UBND thị xã Tân Uyên đưa ra là nếu công trình không phép được xây trước ngày 10-1-2014 và phù hợp với quy hoạch thì sẽ xử lý kỷ luật cán bộ buông lỏng quản lý và xem xét hợp thức hóa cho người dân. Riêng các công trình không phép xây dựng sau ngày 10-1-2014 thì bắt buộc tháo dỡ, nếu không tự nguyện thì sẽ tiến hành cưỡng chế. "Việc này chúng tôi đang tiến hành một cách triệt để" - ông Nguyễn Hồng Tươi nói.

Xử phạt hàng chục doanh nghiệp

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, 5 tháng đầu năm 2022, Thanh tra sở này đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng đối với các dự án đất nền, nhà ở, chung cư trên địa bàn, với tổng số tiền gần 3,8 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn bị xử phạt 280 triệu đồng; Công ty CP Địa ốc Phú Cường, Công ty TNHH XD-TM-DV Tường Phong và Công ty CP Naviland cùng bị xử phạt 275 triệu đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Thành Nguyên bị xử phạt 270 triệu đồng…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-loat-xu-ly-cong-trinh-khong-phep-a143517.html