Hàng loạt ngân hàng bị "sờ gáy" trái phiếu doanh nghiệp
Mới đây, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại loạt ngân hàng thương mại cổ phần.
Loạt "ông lớn" ngân hàng bị thanh tra
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có Techcombank, HBBank, TPBank.
Ngoài 4 ngân hàng trên, Cơ quan TTGSNH còn tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng Đại chúng Việt Nam, Việt Nam Thương Tín, Đông Nam Á và Bảo Việt.
Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng. Riêng Ngân hàng Bảo Việt không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.
Đoàn Thanh tra đã trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Đồng thời gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về xử lý các sai phạm liên quan đến sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3/2022 là hơn 344.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng TPDN nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021. Mức tăng mạnh của TPDN đã đẩy tỷ trọng TPDN trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022. Đây có thể là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Cần xem xét điều chỉnh hoạt động thị trường
Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt xấp xỉ 660.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 10% GDP. Trong đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán là hai nhóm mua vào lớn nhất trên thị trường.
Nhận định về thị trường trái phía doanh nghiệp trong thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam tăng trưởng quá nóng, dễ xảy ra nhiều vấn đề: "Giai đoạn 2017-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 46%, riêng 2021 tăng trưởng hơn 56% nói lên một điều thị trường này đang tăng trưởng quá nóng, từ đó có thể có những vấn đề mà chúng ta cần xem xét.
Chúng ta cần xem xét để điều chỉnh hoạt động của thị trường này, đảm bảo trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, thượng tôn pháp luật.
Hơn nữa, còn để đảm bảo cho cả thị trường chứng khoán của chúng ta phát triển an toàn và bền vững trong tương lai."
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc phát triển nóng đi kèm với rủi ro, trong đó có rủi ro về tính đảm bảo cho trái phiếu được phát hành. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học FullBright Việt Nam cho biết: Nhiều trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo không đủ chuẩn những người mua trái phiếu không được đảm bảo. Như vậy, những nhà đầu tư không được đảm bảo. Thứ 2 là Nhiều trái phiếu lại đảm bảo bằng chính cổ phiếu mà khi doanh nghiệp mất khả năng chi trả trái phiếu thì cổ phiếu cũng mất giá trị
Đề cập đến những nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu tăng trưởng nóng thời gian qua, luật sư Nguyễn Thanh Hà, SB Law chia sẻ: Với sự phát triển hơn 50% so với năm 2020 và 2021 thì có 1 số nguyên nhân, thứ nhất là do nghị định đưa ra những khung pháp lý tương đối thuận lợi, thủ tục đơn giản. Một thời kỳ phát triển nóng thế, một số doanh nghiệp thu hút tương đối thuận lợi bên cạnh đso nhận thức của nhà đầu tư rất sơ khai chỉ quan tâm đến lãi suất, dẫn đến sự tăng trưởng nóng trong thời gian qua
Tuy nhiên, không thể phủ nhận trái phiếu cũng là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. TS.Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá nguồn vốn có được từ trái phiếu bổ sung rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản bị thắt chặt:
Trong cơ cấu tín dụng của nền kinh tế có khoảng 57% đến từ ngân hàng, cổ phiếu khoảng 28%, từ trái phiếu chiếm khoảng 13,6% và còn lại từ thị trường bảo hiểm. Nguồn vốn để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản dựa vào huy động trái phiếu rất lớn. Trong bối cảnh đó, những biến động của thị trường trái phiếu sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang dựa nhiều vào nguồn vốn trái phiếu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước có những động thái chấn chỉnh khá “mạnh tay” đối với sai phạm của một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong tháng 4/2022, khi cơ quan chức năng bắt đầu xử lý các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai phép thì lập tức cả tháng 4/2022, thị trường chỉ phát hành được 30.000 tỷ đồng.
Ước tính cả tháng 5/2022, phát hành được 17.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Con số này đã sụt giảm một cách rất mạnh. Dù đồng thuận với quyết tâm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thanh lọc để giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững song các chuyên gia cũng cho rằng việc chấn chỉnh thị trường cũng nên cẩn trọng, kiểm soát là cần thiết nhưng không thể kìm hãm thị trường phát triển.
Hà Lan
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-loat-ngan-hang-bi-so-gay-trai-phieu-doanh-nghiep-a143593.html