Ngày 27/5 vừa qua, Tập đoàn Gelex (HOsE: GEX) đã thông báo phương án mua lại 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.200 tỷ đồng. Đây đều là những trái phiếu được phát hành vào năm 2020 - 2021 với kỳ hạn ba năm. Ngày tổ chức mua lại là 8/6 và 17/6/2022.
Trước đó vào ngày 19/5, Gelex cũng đã mua lại một lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng chưa đầy hai tháng, Gelex tổ chức 4 đợt mua lại trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.
Theo quan sát, Gelex là doanh nghiệp phát hành số lượng trái phiếu lớn trong nhiều năm nay với các sản phẩm trái phiếu đa dạng. Trong đó các sản phẩm chủ yếu mà Gelex phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, trái phiếu có tài sản bảo đảm và trái phiếu không kèm chứng quyền. Hiện nay, các sản phẩm mà Gelex phát hành có kỳ hạn là 3 năm với lãi suất cụ thể như: cố định 10%/năm trong 2 năm đầu. Kể từ năm thứ 3, lãi suất sẽ bằng trung bình lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh + 3.5%/năm.
Những đợt trái phiếu gần đây nhất của Gelex có thể kể đến như, ngày 7/1/2022, công ty đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm. Ngày hoàn tất đợt phát hành trái phiếu là 7/1 và được đáo hạn vào ngày 23/12/2024. Theo đó, các thông tin khác về loại trái phiếu, lãi suất, trái chủ, đơn vị thu xếp cho thương vụ… đều không được công bố.
Trước đó ngày 23/12/2021, công ty cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho 1 tổ chức tín dụng, kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 8,5%/năm và trả lãi 3 tháng một lần. Công ty cho biết mục đích huy động để tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngày 31/12/2021, công ty cũng vừa phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho 1 tổ chức tín dụng trong nước, lãi suất 12 tháng đầu tiên là 8,5%/năm và sau đó điều chỉnh theo thị trường. Kỳ trả lãi là 6 tháng một lần. Số tiền huy động được sử dụng cho mục đích tăng quy mô hoạt động, nhằm bổ sung vốn lưu động.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Gelex cho thấy, lũy kế cả năm 2021 của tập đoàn có kết quả kinh doanh rất khả quan. Cụ thể, lũy kế cả năm 2021, đạt 28.769 tỷ đồng doanh thu thuần, đạt 2.054 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với năm 2020 tăng lần lượt 59% và 72%. Với kết quả này, Gelex hoàn thành kế hoạch doanh thu và đã vượt 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (1.285 tỷ đồng) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu giúp kết quả kinh doanh của Gelex có sự đột biến trong năm qua chủ yếu từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng công ty Viglacera – CTCP từ quý 2/2021, sau khi Gelex nâng tỷ lệ sở hữu đạt trên 51%. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tổng tài sản của Gelex năm qua có sự biến động mạnh so với năm 2020. Theo đó, tổng tài sản của Công ty đạt 61.182 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, so với đầu năm tăng 2,25 lần.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông ngày 12/5 vừa qua, nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về các đợt phát hành trái phiếu của Gelex. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, Gelex luôn làm đúng quy trình. Đối tác phát hành của Gelex là các định chế tài chính lớn như Maritimebank, Techcombank, Shinhan,...
>> Áp lực nợ tỷ đô và làn sóng tin đồn đè nặng GEX
Có thể thấy, Gelex là một doanh nghiệp nổi lên trong vài năm gần đây sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cấp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A. Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), Gelex đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex gần đây lấn sang lĩnh vực mới: điện gió với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.
Đi đôi với các thương vụ M&A, Gelex cũng ghi nhận tổng tài sản và nợ tăng mạnh. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Gelex khẳng định các hệ số nợ của tập đoàn vẫn đang ở ngưỡng “an toàn, tương đối thấp”. Tính tới cuối quý 1/2022, Gelex có tổng nợ phải trả đạt gần 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có gần 22,8 nghìn tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính (dài hạn là hơn 15 nghìn tỷ đồng). Nợ vay trái phiếu là xấp xỉ 7.000 tỷ.
Liên quan đến hoạt động mua lại trái phiếu chưa đến hạn, Gelex cho biết, nguồn tiền để mua lại là từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp. Đơn vị tham gia hỗ trợ mua lại có Chứng khoán VIX và ngân hàng TPBank.
Hàng loạt doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn, sau vụ hủy bỏ các lô trái phiếu Tân Hoàng Minh. Gelex cũng nằm trong xu hướng chung đó là một trong những doanh nghiệp mua lại nhiều nhất.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng nói là tổng khối lượng mua lại trước hạn chỉ tính riêng tháng 4 tăng đột biến 11.900 tỷ đồng, cao xấp xỉ với khối lượng mua lại trong cả 3 tháng đầu năm là 12.800 tỷ đồng.
Thực tế Gelex cùng các doanh nghiệp có phát hành trái phiếu từng dính nhiều tin đồn tiêu cực và phải nhiều lần lên tiếng phản đối cũng như trấn an nhà đầu tư, cổ đông. Không ít người cho rằng việc các doanh nghiệp dính tin đồn tiêu cực, một mặt phản ánh thị trường vốn Việt Nam vẫn còn "lỏng lẻo" các quy định, tạo đất sống cho tin đồn, nhưng mặt khác bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao quản trị thông tin, hoạt động hoàn toàn công khai minh bạch, không để khoảng hở cho "cỏ" tin tiêu cực độc hại mọc lên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-gelex-voi-va-mua-lai-trai-phieu-chua-den-han-a143597.html