Về các giải pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá thế giới liên tiếp lập đỉnh những ngày qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng tiếp những ngày tới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ Công Thương đã có kịch bản ứng phó.
Theo ông Đông, để điều hành tốt thị trường nói chung và giá xăng dầu nói riêng, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo để đảm bảo nguồn cung cũng như linh hoạt sử dụng các công cụ hỗ trợ như quỹ bình ổn xăng dầu, đề xuất giảm thuế, phí…
Trong thời gian tới, theo ông Đông, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới sau khi Thuế Bảo vệ môi trường đã được giảm 50%. Trường hợp giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã có kịch bản ứng phó. Cụ thể, nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các loại thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt…
Hiện Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao cũng phải tính đến hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỉ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường mà Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do với các thị trường có mức thuế MFN.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, trong công tác điều hành cũng phải tính tới công tác tạo nguồn. Đơn cử, có những thời điểm xăng E5 hoặc xăng RON 95 trên thế giới khan hiếm, nguồn cung trong nước khan hiếm thì cơ quan chức năng cũng phải có cách điều hành linh hoạt, nhằm tạo nguồn tốt hơn. Bộ Công Thương đang tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Trong đó, tập trung ngăn chặn tình trạng gian lận, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu như bán nhỏ giọt, cầm chừng để đợi giá lên cao của một số cây xăng; đóng cửa cây xăng vô cớ; lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước láng giềng để xuất lậu xăng dầu…
Một giải pháp khác nhằm giám sát và quản lý nguồn cung đang được Bộ Công Thương triển khai chính là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc cân đối, điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu.
Hiện nay, hệ thống đã khởi tạo tài khoản cho toàn bộ các đối tượng thương nhân trong giai đoạn 1 gồm: 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.
“Bộ Công Thương đã lên kịch bản của cả năm cũng như kịch bản của từng quý, hàng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nguồn nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng”, ông Đông cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, khi một số địa phương hoặc một số doanh nghiệp có sự đứt gãy nguồn cục bộ, Bộ Công Thương sẽ chủ động điều hành từ các đầu mối cũng như các thương nhân phân phối khác nhằm đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho các nơi thiếu hụt.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có hướng đàm phán và thu xếp nguồn nhập khẩu để làm sao có được nguồn ổn định cũng như giá cả hợp lý phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng”, ông Đông nói.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bo-cong-thuong-dua-3-giai-phap-ha-nhiet-gia-xang-dau-a143684.html