Xu hướng biến động của thị trường chứng khoán trong tháng 6

Nhìn nhận về xu hướng biến động của thị trường chứng khoán sau tháng 5/2022, có thể thấy nhiều nhân tố đã và đang xuất hiện như những tia sáng kích hoạt để VN-Index có thể tăng tốc sau khi đã điều chỉnh giảm khá sâu sau 5 tháng đầu năm 2022.

4418-ttck-3
Hình minh họa.

Thống kê diễn biến VN-Index trong tháng 6 của 10 năm trở lại đây đang cho kết quả cân bằng khi chỉ số có 5 năm tăng điểm và 5 năm giảm điểm.

Tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua khoảng thời gian “Sell in May” với nhiều biến động tiêu cực. Tuy 2 tuần trở lại đây, thị trường bắt đầu có những phiên hồi phục liên tiếp với mức hồi khoảng 100 điểm từ vùng 1.18x lên vùng 1.280 - 1.29x điểm hiện tại.

Theo quan điểm của ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán VPS, giữa năm thường là giai đoạn kém tích cực của thị trường chứng khoán, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thị trường có thể sẽ diễn biến theo hình zig zag, răng cưa.

Mặt khác, sắp tới vào ngày 16/6/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố kết quả họp FOMC. Nhiều tín hiệu thể hiện khả năng tổ chức này sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đang tăng cao. Do đó, các thị trường mới nổi như Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu nhìn ở mặt tích cực, khi nhìn nhận về xu hướng biến động của thị trường chứng khoán sau tháng 5/2022, có thể thấy nhiều nhân tố đã và đang xuất hiện như những tia sáng kích hoạt để VN-Index có thể tăng tốc sau khi đã điều chỉnh giảm khá sâu sau 5 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, các nhân tố đó gồm:

Một là, trong khi chỉ số chứng khoán quý I/2022 điều chỉnh giảm so với đầu năm 2022 thì cũng trong quý này, 86% số công ty niêm yết đại chúng quy mô lớn và có đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo có lãi cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý cũng tăng 33,7%.

Hai là, tình hình đại dịch COVID-19 đã hết căng thẳng theo hướng cả nước chủ động gia tăng tiêm chủng và sẵn sàng bảo vệ tại chỗ, vừa làm vừa chống COVID thay vì chạy COVID như 2 năm trước đây.

Ba là, các dòng cổ phiếu trụ cột của thị trường chứng khoán như ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp nông lâm hải sản,... đều đang tìm lại được tốc độ phát triển của thời kỳ trước COVID.

Bốn là, thị trường khu vực và thế giới đang rất khát nhiều nhóm hàng đặc chủng của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng về lương thực, thực phẩm, may mặc, giầy dép và điện tử,... Do đó, Việt Nam có điều kiện để chủ động chọn hàng, chọn thị trường và cơ chế xuất hàng thích ứng với năng lực sản xuất và phòng ngừa COVID trong điều kiện mới.

Các tia sáng nói trên cùng với các cơ chế chính sách và khát vọng phát triển được cổ súy mạnh mẽ từ mọi cấp, mọi ngành đã và đang thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh vượt qua sức ỳ do đại dịch COVID tác động.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp có bản lĩnh đủ bình tĩnh để nhìn thị trường bằng cái nhìn dài hạn hơn, tin tưởng hơn kèm theo việc phân tích tìm kiếm những doanh nghiệp có xu hướng phát triển tốt, có cơ sở làm ăn nghiêm túc để đầu tư kích hoạt,... giá cổ phiếu sẽ kéo nhau tăng lên trong tương lai không xa, giúp nhà đầu tư có lợi nhuận đích thực thay vì ngồi chờ thời cơ.

Giá của vốn luôn luôn phụ thuộc vào năng lực cầu của thị trường trong đó năng lực cầu của thị trường vốn lại phụ thuộc vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế do con người tạo ra qua từng thời kỳ.

Thị trường không dành cho những nhà đầu tư yếu bóng vía, hay những nhà đầu tư chỉ nặng về tưởng tượng hô hào và càng không thuộc về các hành vi chụp giật, lừa đảo trong việc thả mồi, phóng đại mức lãi gấp đôi, gấp ba chỉ trong thời gian ngắn.

 

 

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/xu-huong-bien-dong-cua-thi-truong-chung-khoan-trong-thang-6-a143685.html