Giá dầu giảm trong phiên giao dịch 31/5 sau khi xuất hiện thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tạm thời loại Nga ra khỏi kế hoạch sản lượng của khối.
Một số quốc gia vùng Vịnh đã ngay lập tức lên kế hoạch gia tăng sản lượng trong một vài tháng tới, nhằm bù đắp sản lượng dầu mỏ thiếu hụt từ Nga, theo thông tin thu thập bởi Wall Street Journal.
Giá dầu Brent tương lai giao tháng 8 giảm 2 USD, tương đương 1,7%, còn 115,6 USD/thùng sau khi tăng lên 120,8 USD/thùng hồi đầu phiên. Giá dầu Brent giao tháng 7, đáo hạn trong ngày 31/5, tăng 1,17 USD, tương đương 1%, lên 122,84 USD/thùng.
Giá dầu WTI giảm 0,4 USD, tương đương 0,4% so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày thứ 6, xuống 114,67 USD/thùng. Trước đó, giá dầu WTI tăng lên 118,98 USD/thùng, cao nhất kể từ 9/3. Giao dịch tạm dừng trong ngày Lễ Tưởng niệm 30/5 tại Mỹ.
“Việc loại Nga ra khỏi kế hoạch sản lượng của OPEC+ chính là tiền đề để Arab Saudi và UAE tận dụng công suất khai thác còn dư thừa của mình”, Andrew Lipow, tới từ Lipow Oil Associates, chia sẻ.
OPEC và các đồng minh, đứng đầu là Nga, thống nhất cắt giảm sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành trong năm 2020. Trong thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 năm ngoái, nhóm này thống nhất tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 giảm gần 9% so với tháng trước đó, theo báo cáo nội bộ của OPEC+.
Dù giảm trong cuối phiên 31/5, giá dầu Brent và WTI đều tăng trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng lên tới hơn 70%.
Giá dầu đi lên trong phần lớn phiên giao dịch sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí kế hoạch cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp phòng dịch Covid-19, và mùa hè cao điểm lái xe tại Mỹ cũng đã chính thức bắt đầu.
Lãnh đạo các nước EU thống nhất cắt giảm tới 90% dầu nhập khẩu từ Nga, lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với quốc gia này kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt này loại trừ dầu nhập khẩu từ Nga thông qua hẹ thống đường ống, theo nguyện vọng của Hungary.
Sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 5 tăng hơn 3% lên 11,7 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2021, theo thông tin từ chính phủ. Tuy nhiên, sản lượng vẫn phục hồi chậm do tác động từ đại dịch và thấp hơn kỷ lục 12,2 triệu thùng/tháng ghi nhận trong năm 2019.
Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, sẽ gỡ bỏ phong tỏa toàn bộ thành phố trong ngày 1/6, tác động tích cực lên giá dầu.
Giá xăng bán lẻ tại Mỹ tăng cao kỷ lục lên trung bình 4,622 USD/gallon, theo dữ liệu từ Hiệp hội xe hơi quốc gia. Kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm cuối tuần vừa qua báo hiệu mùa hè lái xe cao điểm của người dân Mỹ chính thức bắt đầu.
Kim loại quý
Giá vàng giảm trong ngày giao dịch 31/5 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.835,29 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 1% xuống 1.833 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giảm 3,3% trong tháng 5, mạnh nhất kể từ tháng 9/2021. Hiện tại, giá vàng tương lai vẫn tăng 1,08% trong năm nay.
“Giá vàng trong tháng 5 diễn biến tiêu cực trước đà tăng giá của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ”, Jeffrey Halley, Chuyên gia phân tích cấp cao tại OANDA.
“Giá vàng có thể tiếp tục giảm nếu giá đồng USD và lợi suất tăng cao hơn”, Halley nhận định. “Trừ khi căng thẳng leo thang tại Đông Âu, giá vàng sẽ tiếp tục đà giảm trong tháng 6”, ông bổ sung.
Giá vàng tiệm cận ngưỡng 1.900 USD/ounce hồi đầu tháng nhưng giảm xuống chỉ còn 1.786,60 USD/ounce trong ngày 16/5 khi đồng USD thiết lập đỉnh 2 thập kỷ.
Tuy nhiên, giá vàng hồi phục tốt hơn so với dự báo kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ khởi động quá trình tăng lãi suất trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại rủi ro suy thoái, theo Stephen Innes, thành viên hội đồng quản trị SPI Asset Management.
Lãi suất cao làm gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, nhưng vàng luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn một khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/opec-can-nhac-loai-nga-khoi-ke-hoach-san-luong-gia-dau-ha-nhiet-a143885.html