Việc Chính phủ chính thức tung gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, cộng thêm thông tin nới room tín dụng đã thu hút sự chú ý trở lại của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng.
Dù hồi phục vào cuối phiên 31/5, song kết thúc phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của tháng 5, chỉ số VN-Index vẫn giảm 1,24 điểm, còn ở mức 1.292,68 điểm. Đa số cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm điểm, bao gồm nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các mã EIB giảm 2,4%; SHB giảm 2,3%; OCB giảm 2,21%; LPB và STB giảm 2%.
Song một số cổ phiếu ngân hàng vẫn đi ngược xu hướng tiêu cực chung của ngành nhờ lực đỡ của khối ngoại, bao gồm cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh. Dù đóng cửa phiên 31/5, cổ phiếu HDB chỉ tăng 0,97%, lên mức 26.100 đồng/cổ phiếu, song ghi nhận lượng mua ròng từ khối ngoại lên tới hơn 1,2 triệu đơn vị.
Đây là phiên thứ 13 liên tiếp khối ngoại mua ròng cổ phiếu HDB, với tổng khối lượng mua ròng lũy kế đạt trên 9 triệu đơn vị. HDB cũng là một trong những cổ phiếu có sự hồi phục tích cực nhất trong nhóm ngân hàng, khi tăng hơn 17,5% chỉ trong 2 tuần gần đây.
Cổ phiếu VCB "ngược dòng" tăng 1,15%, lên mức 78.900 đồng/cổ phiếu. Dù phiên 31/5, khối ngoại bán ròng cổ phiếu VCB nhưng khối lượng không đáng kể, trong khi họ đã thực hiện 6 phiên mua ròng liên tiếp trước đó.
Vietcombank là một trong 2 ngân hàng dự kiến sẽ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong năm nay. Do vậy, một số chuyên gia cho rằng, Vietcombank sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hơn trong hoạt động cấp tín dụng sắp tới. Ngoài ra, sau giai đoạn điều chỉnh, cổ phiếu VCB có mức định giá hấp dẫn hơn, trong khi ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.
Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng "ngược dòng" tăng tới 2,2%, lên mức 27.900 đồng/cổ phiếu. Trong phiên này, khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng, với hơn 0,8 triệu cổ phiếu CTG đã được chuyển giao.
Đây cũng là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong tháng 5/2022. Qua đó, giúp cổ phiếu CTG có sự hồi phục đáng kể so với đà chung của thị trường, khi tăng gần 17% chỉ trong 2 tuần qua.
Ngoài 3 cổ phiếu HDB, CTG, VCB, một số cổ phiếu ngân hàng cũng hút dòng tiền khối ngoại trong tháng 5 như STB, SSB, TPB.
Một báo cáo đầu tư mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô thuận lợi như nền kinh tế đang phát triển nhanh, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn vốn FDI dồi dào, tình hình chính trị ổn định, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do… Qua đó, giúp nền kinh tế và ngành ngân hàng tiếp đà tăng trưởng cao sau sự gian đoạn bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của một số ngân hàng tiếp tục nâng cao nhờ các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như chiến lược chủ động đảm bảo chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại. MBS kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ cải thiện trong năm 2022 cũng như tỷ lệ bao nợ xấu sẽ tiếp tục được duy trì. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục được kỳ vọng sẽ gia tăng trong năm 2022 khi mà Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì lãi suất thấp; đồng thời việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay sẽ dần được giảm lại, cùng với hạn mức tín dụng được nâng lên nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này sẽ giúp bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022 sẽ càng khả quan hơn.
Cùng với đó, hoạt động tăng vốn cũng là một trong những điểm nhấn chú ý của ngành trong năm 2022 khi hàng loạt các ngân hàng công bố kế hoạch bán vốn cho các cổ đông chiến lược như VPB, OCB, VIB,… Ngoài ra, việc hầu hết các ngân hàng đã áp dụng và đáp ứng chuẩn Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản II) cũng cho thấy sự vững mạnh hơn của hệ thống cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, ngân hàng là một trong 3 ngành sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần.
Đặc biệt, Agriseco cho rằng, nhóm ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được ưu tiên hơn khi đã tích cực đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong thời gian dịch vừa qua. Thêm vào đó, khả năng sẽ có đợt nới room tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới cho các ngân hàng thương mại khi nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức được cấp đầu năm.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, do chất lượng tài sản của một số ngân hàng đã bị suy giảm bởi dịch COVID-19. Vì vậy, nhà đầu tư cần chọn lọc các cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt, khả năng bao phủ nợ xấu cao để đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này cần phải hết sức chọn lọc. Trong quý I/2022, một số ngân hàng công bố biên lợi nhuận tốt, duy trì mặt bằng như năm ngoái dù lãi suất huy động tăng lên. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản.
Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị các nhà đầu tư có thể nghiên cứu một số cổ phiếu ngân hàng quản trị tài sản tốt, khả năng sẽ được nới room tín dụng sắp tới khi Ngân hàng Nhà nước triển khai gói cấp bù lãi suất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/goi-ho-tro-2-lai-suat-co-the-giup-co-phieu-ngan-hang-tang-gia-a143912.html