“Bắt đáy” LUNA như chơi xổ số
Sau sự cố dẫn đến sụp đổ mô hình hoạt động hồi tháng 5, Terra Network (LUNA) đã quay trở lại với phiên bản mới Terra 2.0. Do là tâm điểm của dư luận suốt thời gian qua, ngay khi vừa niêm yết trở lại, LUNA đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm chú ý lớn.
Trong chiều qua, giá LUNA mới đã có thời điểm chạm mốc 25 USD, cao gấp 25 lần so với mức giá niêm yết. Ở thời điểm hiện tại, giá đồng tiền mã hóa này đang đi ngang trong khoảng 8,6 USD.
Chính bởi biến động giá rất mạnh, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý bỏ tiền vào LUNA giống như một cuộc chơi xổ số. Điều này có nghĩa, mục đích của họ khi tham gia mua bán LUNA không phải là đầu tư mà thực chất là đầu cơ.
Ở thời điểm sau cú sập bất ngờ của LUNA, một lượng tiền lớn từ giới crypto đã được đổ vào để "bắt đáy". Ảnh: Trọng Đạt
Hoàng Tân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một nhà đầu tư đã “bắt đáy” LUNA hồi tuần trước. Chia sẻ với VietNamNet, anh cho biết bản thân hoàn toàn nhận thức được nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra.
“Tôi xác định được ăn cả ngã về không, thế nên chỉ bỏ ra số tiền nho nhỏ, khoảng 2 triệu đồng để lướt sóng LUNA. Nếu giá lên gấp 2 gấp 3 thì tốt, nhưng nếu không cũng chẳng vấn đề gì”, anh Tân nói.
Những người như anh Tân không phải trường hợp cá biệt. Suy nghĩ của nhà đầu tư này phản ánh tâm lý chung của những người sẵn sàng bỏ tiền “bắt đáy” LUNA thời gian qua. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận mất trắng số tiền bỏ ra, kỳ vọng đổi lại là việc kiếm tiền nhanh, có khi gấp vài lần so với gốc chỉ trong một thời gian ngắn.
Tại quê hương của Do Kwon - nhà sáng lập Terra Network, chỉ trong 1 tháng qua, đã có thêm 180.000 người nắm giữ LUNA. Số người nắm giữ LUNA ở Hàn Quốc hiện lớn gấp 3 lần trước khi cú sập khủng khiếp với LUNA xảy đến.
Chính tâm lý “bắt đáy” của “người chơi” đã tạo nên một dòng thanh khoản dồi dào cho LUNA và tác động liên tục lên giá bán của đồng tiền mã hóa này.
Người mua LUNA cũ liệu có kiếm lời không?
Sau biến cố, hiện có 2 dòng sản phẩm song song tồn tại gồm LUNA cũ (Terra Classic hay LUNC) và LUNA mới (Terra 2.0).
Những người mua LUNA cũ trước thời điểm ngày 26/5 sẽ sở hữu đồng thời cả LUNC (LUNA cũ đổi tên) và LUNA (được hệ thống phân bổ miễn phí).
Giả sử một người đầu tư bỏ 100 USD để bắt đáy LUNA cũ ở thời điểm ngày 24/5 (cách đây 1 tuần), họ sẽ sở hữu khoảng 633.000 LUNA cũ (giá trung bình 0,000158 USD), tương đương 633.000 LUNC.
Số LUNC này sẽ giúp người đầu tư được phân bổ khoảng 9,68 LUNA 2.0. Với mức giá như hiện tại (8,6 USD), số LUNA mới mà người đầu tư nhận được có giá trị khoảng 83 USD.
LUNA đã được niêm yết trở lại trên Binance. Tuy nhiên đây được đánh giá là một loại tài sản rủi ro cao với mức biến động giá mạnh. Ảnh: Trọng Đạt
Do mạng lưới Terra khống chế kế hoạch phân bổ, chỉ có 30% số LUNA mới được phân phối ngay tới tài khoản người dùng. 70% còn lại sẽ được phân bổ dần trong 24 tháng (bắt đầu từ tháng 12/2022).
Với bài toán kể trên, nếu người đầu tư “bắt đáy” LUNA cũ với 100 USD ngày 24/3, đến nay họ chỉ thực nhận khoảng 2,9 đồng LUNA 2.0. Tuy giá LUNA 2.0 tăng mạnh sau khi niêm yết, số tiền mà người đầu tư thu về chỉ tương đương khoảng 25 USD.
Ở thời điểm hiện tại, đồng LUNA cũ (LUNC) đang được giao dịch với giá khoảng 0,00012 USD. Với 633.000 LUNC nắm trong tay, người đầu tư “bắt đáy” LUNA cũ đang sở hữu lượng LUNC trị giá 76 USD.
Như vậy, nếu tính cả số LUNA cũ (LUNC) và LUNA mới (LUNA 2.0) hiện có, tổng số tiền mã hóa mà họ đang nắm giữ sẽ có trị giá khoảng 101 USD.
Nếu trừ đi phí giao dịch, có thể thấy người “bắt đáy” LUNA cũ ở thời điểm ngày 24/5 gần như không có lời. Trong khi đó, rủi ro có thể mất trắng số tiền đầu tư là rất lớn.
Với lịch sử biến động giá mạnh của LUNA thời gian gần đây, người đầu tư cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi ra quyết định bỏ thêm tiền vào cả 2 phiên bản cả cũ và mới của đồng tiền mã hóa này.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/choi-xo-so-crypto-bat-day-luna-lieu-co-kiem-loi-a143942.html