Thành quả của sự bền bỉ
Ngày 26/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".
Trước đó, vào tháng 4/2019, tổ chức này cũng nâng điểm xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên BB.
Nhìn vào ‘số đo’ BB, không ít người nghĩ rằng đó là điều bình thường. Nhưng theo dõi lịch sử xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam mới thấy để đạt mức BB+ là một nỗ lực bền bỉ suốt nhiều năm ròng.
Việt Nam sẽ đón nhận nhiều dòng vốn quốc tế hơn khi được thăng hạng. Ảnh: Lương Bằng
Ngược trở lại thời điểm tháng 4/2019, Việt Nam được nâng hạng từ BB- lên BB mới thấy thăng hạng 1 bậc là không đơn giản. Để đạt mức BB, Việt Nam đã mất tới 9 năm ròng (từ 12/2010). Còn để từ BB lên BB+, Việt Nam rút ngắn được thời gian khi chỉ mất 3 năm.
S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid. Sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.
Đầu năm nay, khi chia sẻ với PV. VietNamNet về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, ông Hoàng Phương, chuyên gia thu xếp vốn quốc tế, dự báo: "Tôi tin rằng rating của Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng và mở cơ hội cho các doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà cả các doanh nghiệp tư nhân, được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ nước ngoài".
Những dự báo của ông Hoàng Phương đã sớm thành sự thật. Trao đổi với PV sau khi Việt Nam được ‘thăng hạng’ lên BB+, ông Hoàng Phương đánh giá: Theo thang điểm rating của S&P, chỉ thêm 1 bậc nữa là chúng ta sẽ chuyển sang nấc đầu tiên của Investment grade (mức xếp hạng biểu thị một trái phiếu đô thị hoặc trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro vỡ nợ tương đối thấp - PV), thoát khỏi thân phận Junk (Rác).
Theo ông Phương, lên được Investment grade cũng giống như bước chân vào phòng VIP ngân hàng, nơi các dịch vụ hạng sang mở ra trước mắt. Điều này có nghĩa là cơ hội tiếp cận vốn sẽ dễ hơn, và đặc biệt dễ hơn và rẻ hơn với các doanh nghiệp làm ăn minh bạch, có cơ cấu tổ chức quản trị doanh nghiệp tốt, tất nhiên rating của chính bản thân doanh nghiệp đó phải đạt investment grade.
“Đã vào phòng VIP, muốn duy trì các dịch vụ VIP thì ta phải luôn chơi theo luật lệ phòng VIP”, ông Phương lưu ý. "Investment grade chỉ là tấm vé ban đầu, muốn tiếp tục hưởng lợi từ đó, chúng ta phải tuân thủ các quy định và nguyên tắc chung và phải chấp nhận luật chơi mới".
Dòng vốn quốc tế sẽ đổ tới khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng tín nhiệm. Ảnh: Lương Bằng
Chặng đường dài phía trước
Vì sao xếp hạng tín nhiệm quốc gia lại quan trọng như thế? Hệ thống rating sẽ chia thành hạng A - Investment grade (an toàn để đầu tư), và các hạng dưới chuẩn đầu tư từ hạng B, hạng C, hạng D (càng xuống thấp thì càng rủi ro). Khi nhìn các thứ hạng rating đó, người ta sẽ biết nên đầu tư vào cái gì và mức độ rủi ro của một tổ chức, quốc gia ra sao.
Nếu muốn an toàn, các tổ chức sẽ đầu tư/cho vay các doanh nghiệp/quốc gia có rating hạng A, còn nếu muốn đầu tư kinh doanh rủi ro thì sẽ xuống các hạng thấp hơn. Khi rủi ro tăng lên, lãi suất cho vay cũng phải tăng để bù đắp những nguy cơ mất vốn có thể xảy ra ở các doanh nghiệp/quốc gia có rating dưới chuẩn đầu tư.
“Với cách đánh giá như vậy, các doanh nghiệp, quốc gia muốn vốn rẻ thì phải có rating ở hạng A. Tất nhiên, với rating thấp hơn A vẫn có thể vay được, nhưng chi phí lãi suất cao hơn. Ngoài ra, quá trình thẩm định trước khi cho vay của các tổ chức quốc tế cũng ngặt nghèo hơn, làm chậm quá trình tiếp cận vốn vay”, ông Hoàng Phương lưu ý.
Thực tế, điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB+ vẫn là một trong những yếu tố cản trở việc các DN huy động vốn quốc tế. So với một số nước khu vực ASEAN, Việt Nam có mức xếp hạng thấp hơn Malaysia (A-), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), Thái Lan (BBB+). Riêng Singapore có mức xếp hạng tương đương với các thị trường tài chính đã phát triển cao (AAA), trong khi Lào và Campuchia chưa tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi S&P. Trung Quốc cũng được xếp hạng ở mức A+.
Việc tham gia thị trường vốn quốc tế đại trà và nhanh chóng chỉ có thể thực hiện khi rating quốc gia của Việt Nam vượt qua hạng B.
Theo đánh giá của Fiinratings, mức BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB, nhóm điểm được định nghĩa là “khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ thấp, chịu tác động lớn từ các sự kiện tiêu cực từ môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính”. Mức BB+ vẫn được cộng đồng tài chính và đầu tư quốc tế xem là “có tính đầu cơ” trong các quyết định đầu tư liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây là mức điểm tiệm cận với nhóm BBB-, nhóm xếp hạng được định nghĩa là “mức đầu tư” của S&P. Khi đó, các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét Việt Nam ở mức rủi ro thấp hơn và kỳ vọng một mức lợi nhuận (ví dụ qua lãi suất cho vay hoặc trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp Việt Nam) ở mức thấp hơn.
Dù sao, mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức Đầu tư của S&P, tức là nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới. Mức BBB- sẽ đưa Việt Nam lên chỉ còn thấp hơn Indonesia 1 bậc và thấp hơn Thái Lan, Philippines và Malaysia 2 bậc.
Để được ‘thăng hạng’ tiếp, Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải minh bạch hơn hoạt động của mình để nhận được những ‘điểm số’ tốt hơn từ các tổ chức quốc tế.
“Chúng ta còn cả chặng đường dài nữa mới nhảy lên bậc tiếp theo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, hiểu và nắm rõ luật chơi luôn là điều cần thiết để tham gia cuộc chơi chung của thế giới”, ông Hoàng Phương đúc rút.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/viet-nam-thang-hang-tin-nhiem-quoc-gia-lo-trinh-12-nam-tiep-can-san-choi-cac-ong-lon-a143945.html