Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT giải trình về tự chủ đại học, mức tăng học phí

Chiều 1/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải trình về một số vấn đề liên quan đến tự chủ đại học, mức tăng học phí, sách giáo khoa đã được đại biểu Quốc hội đề cập đén trong phiên thảo luận.

Tự chủ đại học góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Đề cập đến vấn đề tự chủ đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết 29, theo Luật 34, tự chủ đại học đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện phát triển cho các trường ĐH, được các trường ĐH và xã hội đánh giá cao.

Qua thời gian thực hiện tự chủ, các trường ĐH đã có được nhiều diện mạo và sự phát triển mới, chỉ số xếp hạng trên thế giới tăng nhanh. Gần đây chỉ số giáo dục của Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới, theo tổ chức USNEWS vừa công bố, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trong số các quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó có sự đóng góp của chỉ số phát triển trong xếp hạng đại học, nhiều ngành nghề mới được mở, cơ hội học tập và học tập tốt cho người học đã tăng lên, các chỉ số của đại học đều đã được phát triển.

"Điều đó cho thấy, chủ trương về phát triển tự chủ đại học là đúng đắn, rất cần thiết, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao"- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trường, trong các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, một nội dung được mọi người rất quan tâm là việc thành lập các hội đồng trường. Cho đến thời điểm này, trong hệ thống các trường ĐH thuộc bộ GD&ĐT quản lý có 35/35 trường đã thành lập hội đồng và đi vào hoạt động. Hiện nay, trong số gần 200 trường thuộc các Bộ, ngành quản lý và các địa phương, vẫn còn 13 cơ sở giáo dục ĐH chưa tiến hành thành lập hội đồng trường, Bộ GD&ĐT cũng đang đốc thúc các bộ ngành tiếp tục chỉ đạo việc này.

Bộ trưởng cũng chỉ ra, trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động của hội đồng trường như trách nhiệm của người đứng đầu; việc phối kết hợp hoạt động giữa hội đồng trường, chủ tịch hội đồng, ban giám hiệu, việc xử lý các phát sinh liên quan đến hoạt động của hội đồng, ban giám hiệu, công việc về tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ… vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trên phương tiện tổ chức để trường hoạt động tự chủ tốt hơn.

Về trách nhiệm giải trình, gia tăng kiểm soát, kiểm tra, kiểm định trong thực hiện tự chủ đại học, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, đối với Bộ GD&ĐT, một trong các công cụ quản lý được quan tâm là công cụ kiểm định. Bộ GD&ĐT đang phát huy hoạt động của 7 trung tâm kiểm định trên cả nước, hiện có 174/241 trường đã được kiểm định lần 1, chiếm trên 70%. Một số trường cũng đã bắt đầu kiểm định quốc tế, đang thực hiện trách nhiệm giải trình “ba công khai”, cũng như các thông tin liên quan đến hoạt động của nhà trường.

"Bộ GD&ĐT cũng đang gia tăng kiểm tra, giám sát để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình tốt nhất. Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị sơ kết việc triển khai tự chủ đại học vào hè này. Trên cơ sở đánh giá, rà soát, sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội để có thể điều chỉnh Luật 34 về giáo dục ĐH trong thời gian sớm nhất"- Bộ trưởng cho biết.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về mức thu và khoản thu

Trước ý kiến đề cập đề học phí gia tăng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, về nội dung thu học phí từ trường phổ thông cho đến ĐH đều được quy định trong Nghị định số 81, có hiệu lực từ tháng 10/2021, nhưng chủ yếu được áp dụng cho năm học 2022-2023. Đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức học phí. Trong Nghị định 81 đã quy định theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình. Đồng thời, Nghị định 81 cũng nêu rõ, các địa phương căn cứ vào tình hình để quyết mức học phí cho phù hợp.

Quang cảnh Kỳ họp

Bộ trưởng cho biết, thực tế, một vài địa phương đã miễn hoàn toàn học phí như TP Hải Phòng, một số nơi cũng cân nhắc một số mức theo Nghị định 81 quy định. Các trường ĐH cũng theo Nghị định 81 và tùy theo mức độ tự chủ. Nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên và tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần đã quy định trong Nghị định 81. Các trường đã đạt kiểm định quốc gia và quốc tế thì được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán và quyết định. Đây là một quyền tự chủ của các trường ĐH.

Bộ trưởng cũng cho biết, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh và kinh tế xã hội, Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về giữ ổn định mức học phí; khuyến cáo các địa phương, trường, căn cứ thực tế xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội; có chính sách miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Hỗ trợ sách giáo khoa cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách đến trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để thực hiện trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về mức thu và khoản thu, nhắc nhở các địa phương thực hiện, công khai mức thu cũng là một nội dung cần tiến hành giải trình trước và sau.

Đề xuất bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá

Về nội dung liên quan đến giá sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng cho biết, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 đổi mới SGK giáo dục phổ thông là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Theo Nghị quyết này, việc biên soạn SGK thực hiện theo hướng xã hội hóa, các DN thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành với monng muốn HS luôn được mua SGK với giá thấp nhất.

Từ góc độ quản lý Nhà nước và chuyên môn, kỹ thuật, Bộ GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần, và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này. Theo Thông tư 33 được sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư số 05 cũng quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với SGK về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, hội đồng thẩm định cũng đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh… Bộ cũng đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành một Thông tư quy định tiêu chí quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết việc này một cách cụ thể hơn và có hiệu quả. Bộ cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục cần thực hành tiết kiệm tối, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như chi phí khác để đảm bảo giá SGK thấp nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ đã chỉ đạo NXB Giáo dục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp SGK cho các đối tượng thuộc chính sách xã hội, học sinh các vùng và chỉ đạo NXB cung cấp các bản sách ở dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.

"NXB Giáo dục là một DNNN do Bộ GD&ĐT quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXB tăng cường ứng dụng CNTT, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu NXB theo tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa các khâu trung gian"- Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cho biết, một giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ GD&ĐT đã và đang kiến nghị đó là Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, việc này Bộ đã đề xuất từ Công văn 4146 ngày 22/9/2021 và có chính sách trợ giá và đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT tiếp tục kiên trì kiến nghị này.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bo-truong-bo-gdanddt-giai-trinh-ve-tu-chu-dai-hoc-muc-tang-hoc-phi-a144008.html