Thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLCL&CTGT, Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 6/2022, 4 dự án sẽ được hoàn tất thủ tục khởi công xây dựng.
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch chuyển kế hoạch khởi công từ tháng 5/2022 sang tháng 6 do việc đấu thầu bị chậm và phải xin ý kiến nhà tài trợ.
Sau khi Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có văn bản đôn đốc nhà tài trợ, đến nay, hai gói thầu xây lắp dự kiến khởi công đã có ý kiến chấp thuận đề xuất kỹ thuật và hoàn toàn có thể khởi công trong tháng này.
Theo Bộ GTVT, Dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 của đường Vành đai 3 TP.HCM dài khoảng 8,75km; trong đó 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM. Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư 5.329,5 tỷ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Ba dự án còn lại được khởi công trong tháng 6, gồm: Dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 qua Bắc Giang và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Giang qua địa phận tỉnh Quảng Bình.
Trong đó, Dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có điểm đầu tại cầu Lâm Hạc (Km11+600) và điểm cuối dự án tại cầu Phong Châu (Km21+100), tổng chiều dài khoảng 9,5 km. Dự án được đầu tư hoàn thiện phần mặt đường còn lại bên trái tuyến; khổ cầu bằng khổ nền đường. Tổng mức đầu tư của dự án ước khoảng 160 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Km2+400-Km44+900 (đoạn thành phố Bắc Giang và huyện Lục Ngạn) có chiều dài 39,1km. Điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1, thành phố Bắc Giang. Điểm cuối tại nút giao với đường tỉnh 290, huyện Lục Ngạn).
Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/h (đoạn qua khu đông dân cư và đô thị, tốc độ thiết kế 60 km/h). Nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 7m. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 863 tỷ đồng.
Về dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Giang qua địa phận tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài gần 11 km. Dự án gồm 2 đoạn: Đoạn tránh thị xã Ba Đồn dài gần 6km đầu tư theo quy mô nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Giang dài hơn 5 km đầu tư theo quy mô nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 8m, tốc độ thiết kế 60 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 474 tỷ đồng.
Được biết, nguồn vốn đầu tư nâng cấp ba dự án quốc lộ nêu trên đều được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục khởi công các dự án đã giao kế hoạch năm 2022.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Bộ GTVT đã có văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, đến nay một số chủ đầu tư, ban QLDA chưa quyết liệt đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, làm ảnh hưởng tới kết quả phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 của Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đảm bảo phân bổ hết kế hoạch năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện với các dự án khởi công mới đã giao kế hoạch vốn trong năm 2022 phải đẩy nhanh thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công dự án; Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết tương ứng với các mốc tiến độ thực hiện cho từng công tác, hạng mục chi phí (giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn...).
“Các chủ đầu tư, ban QLDA trình Bộ GTVT chấp thuận (trước ngày 5/6) kế hoạch triển khai đối với từng dự án, làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện và điều hành tổng thể kế hoạch vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao”, Bộ trưởng yêu cầu.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 64 dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, 48 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 14/48 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Còn lại 34 dự án các chủ đầu tư đã lập kế hoạch và có văn bản cam kết tiến độ trình thẩm định, phê duyệt dự án trước ngày 30/6/2022.
Theo kế hoạch các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đăng ký, trong tháng 6/2022, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 3.950 tỷ đồng; lũy kế tới hết tháng 6/2022 giải ngân 19.030 tỷ đồng, đạt khoảng 37,9% kế hoạch Thủ tướng giao và 44% kế hoạch Bộ trưởng Giao thông Vận tải giao.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/4-du-an-giao-thong-lon-nao-se-khoi-cong-trong-thang-62022-a144282.html