Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, được Bộ Công Thương tổ chức lập theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019. Đây là quy hoạch ngành quốc gia được các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm và có nhiều kiến nghị, đóng góp trong quá trình Bộ Công Thương tổ chức lập, cũng như giai đoạn hoàn thiện quy hoạch theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam có nguy cơ thiếu điện
Báo cáo trước Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.
Qua giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Một trong những tồn tại hạn chế đó là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Theo thống kê, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030.
Trong đó, Nghị quyết 134 năm 2020 của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII yêu cầu “năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII), bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu năng lượng".
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến nhiều dự án phát triển điện lực chưa thể triển khai trong bối cảnh những tháng đầu năm nay, EVN gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.
Đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh.
"Thực trạng đó cho thấy nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm, từ đó sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống của nhân dân", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại.
Trước những bất cập khiến việc lập quy hoạch chưa đạt yêu cầu, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ, các cơ quan liên quan được thực hiện một số việc khác với luật Quy hoạch. Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ, phê duyệt các quy hoạch cho tới khi luật Quy hoạch được sửa đổi. Giải pháp về dài hạn, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ rà soát sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quy hoạch, các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn.
Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt trong tháng 6
Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá, cho thấy một số vấn đề còn cần chỉnh sửa, như quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn cũng như một số vấn đề về cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện...
Tiếp đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII nhằm khắc phục cho được các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050.
Trong quá trình xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hơn 20 cuộc họp và làm việc để góp ý, hoàn thiện Quy hoạch. Thường trực Chính phủ cũng đã có Kết luận về dự thảo Quy hoạch Điện VIII với nhiều chỉ đạo quan trọng.
Gần đây nhất, tại Hội nghị với các địa phương ngày 15/4/2022, cơ bản các ý kiến đều thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, tối ưu hiệu quả tổng thể của nền kinh tế, đảm bảo giá điện ở mức thấp nhất, phù hợp với khả năng của người dân trong khi đó vẫn đảm bảo thực hiện một cách hết sức trách nhiệm những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Theo TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Quy hoạch điện VIII được xây dựng rất kỹ, hết sức cẩn thận, đến giờ đã là phương án thứ 6. Phiên bản tháng 4/2022 có thêm 2 kịch bản mới, trong đó có kịch bản chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. Đây là kịch bản mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được.
"Thêm kịch bản nữa là tính toán khả năng nếu nguồn điện thiếu, chậm thì điều hành như thế nào. Đây là điều chỉnh mới và tốt, phù hợp với quan điểm Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch mở, trong quá trình thực hiện Quy hoạch sẽ cập nhật, tính toán, điều chỉnh dựa trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội thực tế ở mỗi giai đoạn". Quy hoạch đã cập nhật dữ liệu về điện gió gần bờ, xa bờ,... nhưng cần có khảo sát, đánh giá riêng, chứ không chỉ cập nhật con số của các tổ chức quốc tế.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.
Quy hoạch này đã được Hội đồng thẩm định thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Dự kiến trong tháng 6/2022, Quy hoạch Điện VIII có thể được phê duyệt.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng: “Việc thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII thời điểm này là cần thiết, bởi tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về quy hoạch điện quốc gia, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Theo đó, Quy hoạch Điện VIII đã thay đổi bằng cách hạn chế điện than và ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch, thoả mãn yêu cầu phát triển của đất nước, xu hướng của thế giới, cũng như cam kết quốc tế của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính”.
Quy hoạch Điện VIII với việc chú trọng phát triển nguồn năng lượng sạch cũng giúp Việt Nam có cơ hội để tận dụng phát triển điện gió, điện mặt trời, đây là lĩnh vực Việt Nam có nhiều tiềm năng, từ đó phát huy thế mạnh vùng miền, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Việc phát triển năng lượng sạch, hướng tới nền kinh tế xanh cũng tạo cơ hội để Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quy-hoach-dien-viii-se-som-duoc-phe-duyet-trong-thang-6-a144332.html