Ngân hàng vẫn khát vốn, kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu còn xếp dài

Nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng mặc dù đã phần nào được "giải khát" bởi quy định chấp thuận chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho nhóm ngân hàng quốc dân hay hạn chế chia cổ tức tiền mặt của các ngân hàng trong năm vừa qua. Tuy vậy, áp lực tăng vốn vẫn còn hiện hữu.

Ngân hàng vẫn khát vốn

Tại kỳ đại hội cổ đông vừa qua, cả ba "ông lớn" quốc doanh Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đồng loạt trình kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu mặc dù các ngân hàng đều đã được tăng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2021 sau nhiều năm lên tiếng.

"Một trong các điều kiện tiên quyết là VietinBank cần nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu về vốn tự có để đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR)", đại diện VietinBank cho biết khi nói về nhu cầu tăng vốn cấp thiết của ngân hàng. Điều đó cũng đúng với cả hai ngân hàng còn lại.

Vào cuối năm 2021, hệ số CAR của nhóm Big4 chỉ đạt trên 9%, thấp hơn nhiều mức bình quân (19,4%) của các ngân hàng tại thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á. Hệ thống ngân hàng trong năm gần đây cũng luôn chịu áp lực lớn từ việc tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel II và tương lai là Basel III.

"Ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%, trong đó phần lớn tập trung ở nhóm ngân hàng quốc doanh", hãng xếp hạng Fitch Rating từng ước tính.

Trên thực tế, nhu cầu tăng vốn không chỉ ở nhóm ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đang cố gắng nâng cao năng lực tài chính của mình bằng cách tận dụng triệt để các phương thức tăng vốn có thể.

Phần lớn ngân hàng chọn chia cổ tức bằng cố phiếu

Kết thúc mùa đại hội cổ đông thường niên, hầu hết ngân hàng đều lên phương án chia cổ tức cho riêng mình. Trong đó, gần như các nhà băng đều chọn cách chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, chỉ có một số chọn phát hành riêng lẻ.

Sau khi giải quyết được nút thắt về vốn trong năm ngoái, năm nay các Big4 đã không còn phương thức chiacổ tức bằng tiền mặt như năm ngoái, chỉ có chia bằng cổ phiếu.

VIB năm nay quyết định chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 35%, giảm 5% so với năm trước nhưng vẫn đứng đầu toàn ngành. Mặc dù được gọi là chia cổ phiếu thưởng, song về cơ bản, đây cũng giống như hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu của các ngân hàng khác, lấy nguồn vốn từ lợi nhuận để lại năm trước đó.

Các ngân hàng tư nhân khác như MB, MSB, OCB, HDBank, ACB có tăng, có giảm, nhưng mặt bằng chung vẫn giữ tỷ lệ chia quanh mức 20 - 30%. Trong khi đó, các nhà băng tư nhân có quy mô nhỏ hơn như Kienlongbank , Nam A Bank, ... lại có xu hướng tăng lên đáng kể.

Nhiều ngân hàng lựa chọn phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu

Tỷ lệ chia cổ tức của các ngân hàng trong năm 2022 và 2021. (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, tỷ lệ chia cổ tức chỉ là con số tương đối. Bởi vốn của các ngân hàng tăng lên qua năm, nên mặc dù tỷ lệ có thấp hơn nhưng xét trên giá trị tuyệt đối, nguồn vốn bỏ ra để chia cổ tức không hề thấp hơn mà thậm chí còn cao hơn năm trước.

Như trường hợp của VIB, ngân hàng này đã dùng hơn 4.500 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 40%. Trong năm nay, với tỷ lệ 35%, VIB dự kiến cần 5.600 tỷ đồng.

Tại Chỉ thị được ban hành ngay từ đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay để tạo nguồn lực hạ thêm lãi suất cho vay.

Thay vào đó, các ngân hàng lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu như một giải pháp thay thế bởi cách này giúp họ dễ dàng tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn, qua đó có thể được cấp mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Và Chỉ thị của NHNN cũng là lý do hợp lý để các ngân hàng giải thích cho các cổ đông về sự lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Khi nào tới thời chia cổ tức tiền mặt?

Về bản chất, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu làm tăng số lượng cổ phiếu nhưng cũng đồng thời làm giảm mệnh giá cổ phiếu tương ứng. Về mặt kế toán, phần vốn sẽ chuyển từ phần lợi nhuận chưa phân phối sang vốn tự có, tổng vốn chủ sở hữu vẫn giữ nguyên. 

Do đó, không xét trong dài hạn, thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không đem lại lợi ích gì đối với các cổ đông. Mặt khác, các cổ đông vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi bán số cổ phần này, bất kể là lãi hay lỗ. 

Chưa kể, tỷ lệ chia cổ tức của ngân hàng khá lẻ. Nếu không mua số lượng đủ lớn, nhà đầu tư sẽ phải nhận về phần cổ tức lẻ, không thể giao dịch khớp lệnh thông thường mà phải chấp nhận bán cho các công ty chứng khoán với mức giá rất thấp (thường là giá sàn).

"Nếu như ROE của Techcombank thấp chỉ 5% có thể tôi cũng sẽ đề xuất chia cổ tức để tìm kiếm lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác. Năm 2018 chúng ta đã chia gần 80%, giá cổ phiếu lúc đó đã giảm ba lần và cổ đông phải trả 5% thuế TNCN. Góc độ cá nhân tôi chưa nhìn thấy giá trị của việc này cho doanh nghiệp," ông Hùng Anh chia sẻ về vấn đề chia cổ tức tại đại hội của Techcombank năm nay.

Sau quá trình tăng vốn có thể nói là ngoạn mục trong năm 2021 từ 25.299 tỷ đồng lên 45.056 tỷ đồng (tăng 78%), VPBank dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thành hai đợt từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng trong năm 2022, mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống hiện này.  

Chủ tịch Ngô Chí Dũng chia sẻ tại đại hội vừa qua rằng, với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch 5 năm tới, mà VPBank dự kiến từ 2023 sẽ trình cổ đông về việc chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% hàng năm.

Còn tại ACB, theo kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 được đại hội cổ đông thông qua, ban lãnh đạo ngân hàng đã có đề xuất phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, dự kiến thực hiện trong năm 2023. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%.

Về việc có duy trì việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong những năm sau hay không, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết cổ tức những năm sau sẽ phù thuộc vào tình hình kinh doanh, nhu cầu tăng vốn của ngân hàng và trình cơ quan quản lý nhà nước. ACB sẽ cố gắng cân bằng lợi ích cho cổ đông. 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-hang-van-khat-von-ke-hoach-chia-co-tuc-bang-co-phieu-con-xep-dai-a144343.html