Sản xuất công nghiệp lan rộng gam màu sáng

Những yếu tố thuận lợi như dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN) dần phục hồi... tiếp tục mang đến sự khởi sắc cho sản xuất công nghiệp trong nước. Tuy vậy, trong thời gian tới, chi phí nguyên, nhiên liệu tăng cao cũng đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực này.

san-xuat-cn-1654487464.jpg

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp nối những kết quả nổi bật trong 2 tháng gần đây, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tiếp tục khởi sắc. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì xu hướng tăng, với mức tăng 4% so với tháng trước và 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng 8,7% và 10,2% của cùng kỳ các năm 2018, 2019 (năm dịch Covid-19 chưa xuất hiện).

Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng đều tăng, các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi chỉ số phát triển sản xuất tăng 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; khai khoáng tăng 4,1%...

Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than sạch tăng 13,4%; alumin tăng 10,9%; ô tô tăng 10,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; bia các loại tăng 10,5%.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của các địa phương cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc.

Cơ quan thống kê TP. Hà Nội cho hay, hoạt động sản xuất công nghiệp của Thủ đô tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. IIP tháng 5 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khai khoáng tăng tương ứng 0,9% và 5,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7% và 7,6%... Tính chung 5 tháng, IIP ước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Tính đến thời điểm cuối tháng 5, lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp trên địa bàn ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước”, Cục Thống kê TP. Hà Nội thông tin.

Xu hướng tích cực này cũng thể hiện rõ tại Bắc Ninh. Cơ quan thống kê tỉnh Bắc Ninh cho hay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục khởi sắc. Trong bối cảnh kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng sản xuất bị ảnh hưởng, với giải pháp phù hợp, nhiều DN của Tỉnh đã bắt nhịp đẩy mạnh sản xuất trong những tháng đầu năm. Nhờ đó, kết quả sản xuất công nghiệp của Tỉnh có chiều hướng phát triển tốt. IIP 5 tháng đầu năm 2022 của Bắc Ninh tăng trưởng ấn tượng 19,79%.

Tại TP. Đà Nẵng, sản xuất công nghiệp của Thành phố tiếp tục có những dấu hiệu khả quan. Nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi đang mang lại hiệu quả tích cực cho DN. Chuỗi sản xuất và tiêu dùng dần được khơi thông nhờ sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng DN.

“IIP 5 tháng đầu năm 2022 của TP. Đà Nẵng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng hơn 6%... Nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ năm trước như: đồ gỗ nội thất tăng 7,5 lần; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật tăng 74,6%; thịt, cá đông lạnh tăng 37,2%; tôm đông lạnh tăng 20,4%...”, Báo cáo của TP. Đà Nẵng nêu.

Tại Bình Dương, các ngành công nghiệp chủ lực của Tỉnh như: dệt may, da giầy, chế biến gỗ tiếp tục phục hồi với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng. Nhiều DN đặt ra kế hoạch tăng trưởng năm 2022 với mức hai con số, cao hơn so với năm trước…

Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định, với không ít yếu tố thuận lợi, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Tuy vậy, ở một số ngành sản xuất, nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao kìm hãm nỗ lực gia tăng sản lượng.

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN công nghiệp về thông tin thị trường, tìm kiếm thị trường mới; có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu vừa đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá nguyên vật liệu tăng quá cao…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/san-xuat-cong-nghiep-lan-rong-gam-mau-sang-a145581.html