Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/6), khi nhà đầu tư tỏ ra không mấy lo ngại về những dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế và tiếp tục hướng sự chú ý tới báo cáo lạm phát quan trọng sắp công bố. Giá dầu thô cũng đi lên vì mối lo nguồn cung không để đáp ứng đủ nhu cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng gần 2%; Dow Jones tăng hơn 260 điểm, tương đương tăng 0,8%; và Nasdaq tăng 0,9%.
Trong một diễn biến cho thấy nguy cơ kinh tế Mỹ sụt tốc giữa lúc lạm phát tiếp tục leo thang, hãng bán lẻ Target cắt giảm triển vọng doanh thu và lợi nhuận, đồng thời cho biết muốn cắt giảm lượng hàng tồn kho đang quá lớn.
Bên cạnh đó, GDPNow - một công cụ theo dõi tăng trưởng kinh tế Mỹ của chi nhánh Atlanta Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ 0,9% trong quý 2, so với mức tăng 1,3% trong tuần trước. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang ngấp nghé bờ vực suy thoái.
“Thị trường tiếp tục phản ánh nỗi lo về điều kiện tài chính thắt chặt và tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc”, chiến lược gia Lauren Goodwin của New York Life Investments phát biểu.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Nhiều người tin rằng dữ liệu này sẽ là căn cứ quan trọng cho đường đi chính sách của Fed và việc liệu Fed có duy trì việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong năm nay, khi việc Fed nâng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát làm dấy lên nỗi lo suy thoái. S&P 500 hiện giảm gần 14% so với mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tháng 1. Tháng trước, có lúc chỉ số này chớm rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,9%, chốt ở 120,57 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng gần 0,8%, chốt ở 119,41 USD/thùng - mức giá đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ hôm 8/3.
Dầu tăng giá trong bối cảnh thị trường tiếp tục bị phủ bóng bởi nỗi lo nguồn cung thắt chặt và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống Covid. Tuy nhiên, giá dầu cũng chịu áp lực giảm bởi nỗi lo kinh tế giảm tốc.
Ngoài nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái thể hiện qua các dữ liệu kinh tế Mỹ mới nhất như đề cập ở trên, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6 mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay. Theo định chế có trụ sở ở Washington DC, nền kinh tế thế giới có thể chỉ tăng 2,9% trong năm nay, so với mức tăng 5,7% trong năm ngoái, và mức dự báo tăng 4,1% đưa ra hồi tháng 1 năm nay.
Trong một nỗ lực giải toả nguồn cung dầu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn cho hai công ty Eni và Repsol bắt đầu vận chuyển dầu thô Venezuela tới châu Âu từ tháng 7 để thay thế cho phần nguồn cung dầu Nga bị gián đoạn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái này chỉ là “muối bỏ bể” bởi Bắc Kinh và Thượng Hải bắt đầu mở cửa trở lại sau 2 tháng phong toả chống Covid.
Bên cạnh đó, thị trường tin rằng mức tăng sản lượng thực tế của OPEC+ sẽ không đạt được mục tiêu 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 như nhóm này quyết định vào tuần trước. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Mức tăng sản lượng của OPEC+ cũng không đủ để giải quyết tình trạng thiếu các sản phẩm dầu – các nhà phân tích nhấn mạnh.
“Tỷ suất lợi suất của các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu cho thấy nhu cầu xăng và diesel vẫn đang lớn. Điều này hỗ trợ cho giá dầu thô”, nhà phân tích Jeffrey Halley của Oanda nhận xét.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 30.000 USD. Sau khi để mất mốc chủ chốt này vào phiên trước, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới lại hồi phục. Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coimarketcap.com đứng ở 31.170 USD, tăng gần 2,4% so với cách đó 24 tiếng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-tang-lien-2-phien-gia-dau-vung-da-di-len-a146271.html