Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu có thời điểm tăng lên 124,36 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm nhẹ về 123,43 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI - được sản xuất tại Mỹ - có lúc được giao dịch trên ngưỡng 123 USD/thùng, sau đó giảm còn 121,76 USD/thùng.
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng thị trường dầu vẫn mất cân bằng cung - cầu. Những sức ép đối với nguồn cung đẩy giá dầu lên cao.
"Giá dầu một lần nữa tăng cao ngay cả khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo lượng tồn trữ dầu tăng bất ngờ vào tuần trước", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - trả lời Zing.
Cụ thể, dự trữ dầu thô trong tuần kết thúc vào ngày 3/6 đã tăng 2 triệu thùng lên 416,8 triệu thùng, cao hơn đáng kể so với dự báo trước đó của giới quan sát.
Giá dầu Brent trồi sụt quanh ngưỡng 124 USD/thùng trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.
OPEC+ không thể đảm bảo nguồn cung dầu
"Thị trường dầu vẫn rất thắt chặt. Điều đó đang tạo áp lực lớn lên giá dầu thô", ông nhận xét. Vị chuyên gia cho rằng việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) nhất trí nâng sản lượng không có tác động quá lớn tới cung dầu trên thực tế.
Ngoài ra, theo ông, việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp chống dịch gắt gao sẽ khiến nhu cầu tăng mạnh trở lại.
Nếu không có thêm đầu tư trên toàn cầu, OPEC+ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn sau đại dịch
Bộ trưởng Năng lượng Suhail Al-Mazrouei
"Việc các công nhân dầu ở Na Uy bắt đầu đình công khiến tình hình càng trở nên tồi tệ. Ngay cả khi sản lượng dầu bị ảnh hưởng tương đối nhỏ, thông tin tiêu cực này vẫn tác động tới giá dầu", ông Erlam nói thêm.
Cụ thể, Reuters đưa tin theo số liệu của liên đoàn lao động Na Uy, khoảng 11% công nhân khai thác dầu ngoài khơi của Na Uy đe dọa đình công nếu việc hòa giải với nhà nước không thành. Họ hy vọng được tăng lương hơn mức lạm phát và một số quyền lợi khác.
Theo các tổ chức công đoàn ngành dầu khí, cuộc đình công sẽ có tác động hạn chế đối với sản lượng dầu của Na Uy.
Đồng quan điểm, ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - cho rằng những yếu tố chính khiến giá dầu tăng cao là nguồn cung vẫn bị thắt chặt tại Mỹ, cuộc đình công ở Na Uy và việc đóng cửa một mỏ dầu tại Libya.
Thêm vào đó, giá dầu cũng được thúc đẩy sau khi Bộ trưởng Năng lượng Suhail Al-Mazrouei UAE cảnh báo về việc Trung Quốc mở cửa trở lại và các nước thành viên OPEC+ không thể hoàn thành mục tiêu tăng sản lượng.
"Nếu không có thêm đầu tư trên toàn cầu, OPEC+ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn sau đại dịch", Bộ trưởng Năng lượng Suhail Al-Mazrouei nhấn mạnh.
Nhu cầu vẫn cao
"Giá dầu vẫn ở mức cao kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine. Ngay cả khi dòng chảy dầu từ Venezuela và Libya sang châu Âu và Bắc Mỹ được nối lại, nguồn cung thực tế trong ngắn hạn vẫn không đủ để hạ nhiệt giá cả", ông Halley nhận định với Zing.
Theo nguồn tin của Reuters, tập đoàn dầu và khí đốt Eni của Italy và hãng năng lượng Repsol tại Tây Ban Nha có thể bắt đầu vận chuyển dầu thô từ Venezuela sang châu Âu nhằm bù đắp khoảng trống nguồn cung mà dầu Nga để lại. Trước đó, dòng chảy dầu này đã bị đình trệ vì các biện pháp trừng phạt từ Washington đối với Venezuela.
Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết khối lượng dầu mà các nhà máy lọc dầu nhận được sẽ không đáng kể.
Theo ông Halley, biên lợi nhuận lọc dầu trên toàn cầu cho thấy nhu cầu xăng và dầu diesel vẫn ở mức cao. Biên lợi nhuận lọc dầu là chênh lệch giữa giá trị của các sản phẩm dầu, gồm xăng và dầu diesel, khi rời khỏi nhà máy lọc dầu và giá trị dầu thô đầu vào.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2 triệu thùng trong tuần trước, nhưng sản lượng xăng vẫn không thay đổi. Giá dầu WTI - được sản xuất tại Mỹ - vọt lên hơn 123 USD/thùng hôm 9/6. Ảnh: Trading Economics.
Tình trạng gián đoạn đối với hoạt động lọc dầu cũng thúc đẩy giá dầu. Tại Mỹ, sau 2 năm gián đoạn, các công ty dầu cần thời gian để mở rộng quy mô sản xuất, nhất là khi họ đang phải đối mặt với những thách thức trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động như hàng nghìn doanh nghiệp khác của Mỹ.
Công suất lọc dầu tại Mỹ cũng đang sụt giảm. Các quy định về môi trường đang thúc đẩy nhiều nhà máy lọc dầu chuyển từ dầu sang nhiên liệu tái tạo giảm thiểu carbon.
Một số công ty đã đóng cửa các nhà máy lọc dầu cũ thay vì tái đầu tư để duy trì hoạt động, nhất là khi những nhà máy lọc dầu khổng lồ sẽ được mở ở châu Á, Trung Đông và châu Phi vào năm 2023.
Thêm vào đó, giá dầu diesel và nhiên liệu máy bay cao hơn nhiều so với giá xăng. Điều này khiến nhiều nhà máy lọc dầu chuyển sang sản xuất những sản phẩm này.
"Ngay cả khi tồn trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2 triệu thùng, sản lượng xăng vẫn không thay đổi, khiến thị trường vẫn bị thắt chặt", ông Halley nhận định.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-dau-lien-tuc-tang-cao-a146846.html