Techcombank đứng đầu danh sách "ôm" trái phiếu doanh nghiệp

Techcombank hiện đang là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021.

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các chủ đề nóng trên thị trường hiện nay. Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt xấp xỉ 660.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 10% GDP. Trong đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán là hai nhóm mua vào lớn nhất trên thị trường.

Không thể phủ nhận trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng sự phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu thời gian qua cũng phát sinh nhiều hệ lụy.

Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3/2022 là hơn 344.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với 76.582,978 tỷ đồng, tăng 22% so với mức 62.608,793 tỷ đồng cuối năm 2021.

1-1654851899.jpg

Mức tăng mạnh của trái phiếu doanh nghiệp đã đẩy tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022. Đây có thể là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). 

Không chỉ năm 2022, Techcombank là cái tên nổi bật nhất trong các mảng mua trái phiếu và mảng dàn xếp, tư vấn phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy, chỉ sau 4 năm, dòng tiền đổ vào trái phiếu tăng gần gấp đôi.

Theo báo Công Thương, trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2018 đến quý 1/2022, 2019 là năm duy nhất chỉ tiêu chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giảm nhẹ từ 38.315 tỷ đồng xuống 30.396 tỷ đồng. Sau đó, tăng mạnh lên 46.529 tỷ đồng (năm 2020) và 62.609 tỷ đồng (năm 2021).

Tới quý 1/2022, bất chấp hoạt động trái phiếu bị “siết” do trước đó đã bộc lộ quá nhiều rủi ro, Techcombank vẫn mạnh tay đầu tư cho trái phiếu. Tại thời điểm cuối quý 1/2022, chỉ tiêu chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành vọt lên 76.583 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản Techcombank.

techcombank-1654851982.jpeg

Lãi suất trong đợt phát hành lần này của các doanh nghiệp nói trên được cam kết ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, doanh nghiệp cam kết trả lãi tối đa 13,65%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên (kỳ tính lãi là 3 tháng 1 lần). Lãi suất cho 4 kỳ tính lãi tiếp theo là 11%/năm và các kỳ còn lại được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4%/năm.

Ngoài ra, trong đợt phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas, tổ chức tham gia thu xếp phát hành là TCBS và Techcombank.

trai-phieu-1654852109.pngThủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...

Tuy nhiên thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới hàng trăm nghìn tỷ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo Phó Giáo sư, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Bởi nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp "bắt tay" dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. 

Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp có thể là cách giúp các ngân hàng thương mại vừa "lách luật" để cho vay doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán lại vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính. 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/techcombank-dung-dau-danh-sach-om-trai-phieu-doanh-nghiep-a147155.html