Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 62 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Tại điểm cầu Bình Phước, công nhân Trần Thị Toan, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam kể lại câu chuyện bản thân bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty của chị vướng vào tín dụng đen.
Thực tế rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố.
Chị Toan đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP, một mô hình của Công đoàn hỗ trợ tín dụng hiệu quả, thuận tiện nhưng nguồn lực hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của công nhân.
Tiếp nhận câu hỏi này, Thủ tướng yêu cầu Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời.
Phó thống đốc cho biết, phía NHNN có trách nhiệm để người dân không tiếp cận tín dụng đen khi đã tiếp cận được nguồn vốn chính thức, tín dụng chính thức. Thời gian gần đây, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen còn đất để tồn tại để hoạt động.
Khi có nhu cầu vay tín dụng nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì công nhân cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này thuộc trách nhiệm NHNN cùng các cấp chính quyền triển khai. Còn nhu cầu tín dụng không có tính chất chính thức phục vụ nhu cầu bất chính như lô đề, cá độ… thì các lực lượng cần dẹp bỏ cả người có nhu cầu và người đáp ứng.
"Ngoài những giải pháp đã và đang thực hiện, chúng tôi cải tiến chính sách để các ngân hàng mạnh dạn cho vay, để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn không lớn, để giải quyết nhu cầu ốm đau, con cái đi học, ma chay cưới xin... trong thời gian ngắn. Chúng tôi đang được hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển thị trường cho vay nhỏ lẻ", ông Đào Minh Tú nói.
Phó thống đốc NHNN cho biết thêm, sẽ tăng cường tài chính vi mô để người yếu thế tiếp cận được hệ thống tài chính ngân hàng. Hiện các Ngân hàng quy mô lớn, tổ chức tín dụng hợp tác đang hoạt động tích cực.
Có hai công ty tài chính là FECREDIT của ngân hàng VPBank và HD SAISON của HDBank, mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng, với lãi suất bằng 50% lãi suất các công ty đang cho vay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân ở khu công nghiệp, nhà máy, đảm bảo đúng đối tượng. Ông mong có sự phối hợp của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để cho vay thuận tiện, đúng đối tượng, quản lý sử dụng, để có thể trả nợ được.
Trả lời thêm với công nhân Bình Phước, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin thêm về giải pháp xử lý tội phạm tín dụng đen hoạt động ở nơi công nhân làm việc, sinh sống.
Theo đó, Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để đấu tranh tội phạm. Ông Quang cũng cho biết, các đối tượng rất tinh vi, cho vay không thế chấp, huy động vốn, có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân, vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội, vay lãi suất cao bất thường, có lãi suất 90 - 100% tháng
"Chúng dùng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần… Trong 3 năm qua, Bộ Công an phát hiện xử lý 2.740 vụ, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, có nhiều bị hại là công nhân. Do đó, thời gian qua, tình trạng tín dụng đen đã cơ bản không gây bức xúc", Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết.
Về giải pháp, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin phương thức thủ đoạn tín dụng đen và khuyến cáo đề cao cảnh giác. Cùng với đó, kiểm tra hành chính các cơ sở doanh nghiệp có liên quan hoạt động này, phát hiện tội phạm vi phạm để xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để thực hiện tín dụng đen… Đồng thời, mở các cuộc cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan tín dụng đen.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-nhan-kho-vay-von-ngan-hang-buoc-phai-tim-den-tin-dung-den-nhnn-noi-gi-a147924.html