Giá nhiên liệu ‘leo thang’, đề xuất giảm phí, lệ phí

Trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục “leo đỉnh” thời gian qua, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Cục Hàng hải, Đường thuỷ, Đường sắt nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhận được công văn của Bộ Tài chính về việc giảm thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của các Bộ “kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý” (khoản 4, Điều 20 - Luật Phí và lệ phí).

Do đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu công văn của Bộ Tài chính, trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng. Các Cục khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách nhà nước.

Các cục, đơn vị khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách Nhà nước. Từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản phí, lệ phí và thời gian giảm thu phí, lệ phí, báo cáo Bộ để gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo thẩm quyền.

Giá nhiên liệu ‘leo thang’, đề xuất giảm phí, lệ phí - Ảnh 1 Giá nhiên liệu liên tục “leo đỉnh” trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn về việc xem xét, quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng đất cảng nước, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ vận tải sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do giá nhiên liệu tăng, Bộ Tài chính khẳng định: Pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng, dầu. Vì vậy, các khoản phí, lệ phí hiện hành không phải là yếu tố tác động làm giá nhiên liệu trong nước tăng.

Tính đến thời điểm hiện tại, các phí, lệ phí như phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa đều đang thực hiện theo các quy định của pháp luật đã ban hành. Trong đó, mức thu phí sử dụng hạ tầng đường sắt quy định giảm 50% mức phí (giảm mức thu từ 8% xuống 4% doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt) kể từ ngày 8/2/2021 đến hết tháng 6/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của COVID-19. Còn lệ phí ra, vào cảng biển từ 5-50 USD/lượt theo dung tích tàu. Đối với mức lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa từ 5.000 - 50.000 đồng/chuyến theo trọng tải phương tiện chở hàng/tàu lai.

Bộ Tài chính cho rằng, các khoản phí, lệ phí này chiếm tỷ trọng không lớn trong chi phí vận tải. Trong quá trình thực hiện, Bộ không nhận được phản ánh về những vướng mắc liên quan tới mức thu của các khoản phí, lệ phí này. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT khẩn trương đánh giá tác động của việc giảm phí và lệ phí với các đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách nhà nước, từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản, gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo thẩm quyền và đúng trình tự quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, nhận định về diễn biến lạm phát hiện nay, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, xăng dầu là câu chuyện nóng, việc tiếp tục tăng giá gây áp lực lên lạm phát. 

Tới đây phải nghiên cứu thêm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vốn chỉ áp dụng cho những mặt hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng. Bởi xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng phổ biến. 

Đồng thời, theo ông Hùng, cần có biện pháp sớm với nguồn cung cấp xăng dầu, nhất là với Nghi Sơn đang chiếm tới 40% nguồn cung nhưng đang trục trặc trong vận hành. Ngoài ra, tồn trữ xăng dầu hiện đang nằm ở doanh nghiệp. Cần có chiến lược về vấn đề này để đảm bảo nguồn cung nhất định nhằm bình ổn giá.

Giá xăng tiếp tục tăng mạnh lần thứ 6 liên tiếp

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 15h chiều 13/6, giá xăng trong nước đồng loạt tăng, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít và xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít lên mức 32.370 đồng/lít.

Như vậy, đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 32.000 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 1/6 vừa qua.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4.

"Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách", PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-nhien-lieu-leo-thang-de-xuat-giam-phi-le-phi-a148215.html