Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) Việt Nam, trong tháng 5/2022, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu dẫn đầu vẫn là nhóm ngân hàng thương mại với 12.829 tỷ đồng, chiếm 80,3% tổng giá trị phát hành. Trong đó, Ngân hàng Phương Đông có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất với 2.600 tỷ đồng (chiếm 16,2% tổng số phát hành).
Cụ thể, ngày 12/5, ngân hàng OCB công bố phát hành thành công 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Trước đó, ngày 5/5, nhà băng này cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 2.000 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, tính đến 31/3/2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng OCB đang nắm giữ hơn 3.946 tỷ đồng, tăng tới 156% so với đầu năm.
Ngân hàng OCB phát hành thành công 2.600 tỷ đồng trái phiếu |
Cũng huy động vốn qua phát hành trái phiếu, ngân hàng VIB thu về hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, cuối tháng 5/2022, VIB đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Đầu tháng 6 lại tiếp tục phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, VIB đã huy động thành công 5.948 tỷ đồng trái phiếu với 5 đợt phát hành.
Giữa tháng 5/2022, ngân hàng MSB đã chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Trước đó, tháng 4/2022, MSB cũng đã huy động 1.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu cũng kỳ hạn 3 năm.
Cuối tháng 5/2022, ngân hàng LienVietPostBank chào bán thành công 500 tỷ đồng trái phiếu cũng kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng ABBank cũng huy động thành công 500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với kỳ hạn 3 năm.
Tương tự, ngân hàng Nam A Bank cũng chào bán thành công 300 tỷ đồng trái phiếu qua 2 đợt phát hành có kỳ hạn 3 năm.
Từ đầu năm đến nay, nhóm Ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với tổng giá trị 42.382 tỷ đồng, tương đương 37,4% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 - 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 31.049 tỷ đồng, chiếm 73,26% và với kỳ hạn từ 7 năm trở lên chiếm 23,44% với giá trị phát hành là 9.935 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Hoạt động trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.
Theo số liệu thống kê của Fiinpro về BCTC quý I của các ngân hàng trong diện thanh tra, 5/8 ngân hàng có giá trị trái phiếu của tổ chức kinh tế nắm giữ tăng trong quý I.
Tại 31/3, Techcombank đang nắm 76.782 tỷ đồng chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế, tăng 22,2% so với cuối năm 2021 và dẫn đầu trong số các ngân hàng bị thanh tra. Theo sau, TPBank sở hữu 27.633 tỷ đồng, tăng 48,4%. Vị trí thứ ba là SHB với 16.408 tỷ đồng, tăng 169%. Đứng thứ tư, Baoviet Bank giữ 15.500 tỷ đồng, tăng hơn 25%.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến cuối tháng 3, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/loat-ngan-hang-nho-phat-hanh-trai-phieu-om-ve-hang-nghin-ty-a148252.html