Theo ấn bản thứ 13 của World Economic League Table 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, khi quá trình phục hồi sau đại dịch diễn ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ có những thay đổi lớn trong những thập kỷ tới. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Những năm trở lại đây, trung tâm của nền kinh tế thế giới đã dịch chuyển từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á. Sự chuyển dịch toàn cầu này được khởi động bởi việc hạ thấp các rào cản thương mại, đẩy mạnh tự do kinh tế và nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của châu Á. Một yếu tố thúc đẩy chính khác là sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc, và sự gia tăng nói chung về mức độ phức tạp kinh tế trong khu vực.
Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030. Sự phục hồi nhanh hơn dự kiến ở Mỹ vào năm 2021 và những nỗ lực của Trung Quốc theo chính sách "Zero-COVID" đã khiến Trung Quốc mất vị trí đầu bảng khoảng hai năm.
Trung Quốc đã duy trì mức tăng trưởng GDP dương do nhu cầu trong nước ổn định. Điều này đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Chính sách kinh tế và tài khóa của Trung Quốc đã tập trung vào thị trường nội địa ngay từ trước đại dịch, do lo ngại về các hạn chế thương mại ngày càng tăng của phương Tây.
Theo CEBR, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2036.
Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 41 thế giới về quy mô kinh tế và dự báo năm 2022 sẽ tăng 5 bậc lên vị trí thứ 36. Đến năm 2026, CEBR dự báo Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất, năm 2031 sẽ đứng thứ 24 và năm 2036 vươn lên đứng thứ 20.
Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2021
1. Hoa Kỳ
2. Trung Quốc
3. Nhật Bản
4. Đức
5. Anh
6. Pháp
7. Ấn Độ
8. Ý
9. Canada
10. Hàn Quốc
11. Brazil
12. Nga
13. Úc
14. Tây Ban Nha
15. Mexico
16. Indonesia
17. Iran
18. Hà Lan
19. Saudi Arabia
20. Thụy Sĩ
Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2036
1. Trung Quốc đại lục
2. Hoa Kỳ
3. Ấn Độ
4. Đức
5. Nhật
6. Anh
7. Pháp
8. Indonesia
9. Brazil
10. Nga
11. Canada
12. Hàn Quốc
13. Ý
14. Úc
15. Tây Ban Nha
16. Mexico
17. Saudi Arabia
18. Hà Lan
19. Thổ Nhĩ Kỳ
20. Việt Nam
Cũng dự báo về quy mô kinh tế Việt Nam, theo IMF, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,12 tỷ USD. Xếp sau Indonesia (1630 tỷ USD) và Thái Lan (632,45 tỷ USD) và vượt qua Malaysia (556 tỷ USD), Philippines (523,53 tỷ USD), Singapore (496,81 tỷ USD).
Đến năm 2027, GDP của Thái Lan và Việt Nam sẽ ngang ngửa nhau ở mức khoảng hơn 690 USD (Thái Lan 692,6 tỷ USD và Việt Nam 690,11 tỷ USD).
Trong khi đó, GDP của Malaysia được dự báo sẽ đạt 633,63 tỷ USD năm 2027, xếp thứ 4 sau Việt Nam và Philippines đứng thứ 5 với 614,63 tỷ USD. Singapore đứng vị trí thứ 6 với 543,84 tỷ USD vào thời điểm đó.
Năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam vượt Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á về GDP. Trước đó, năm 2019, Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank cho hay: "Kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm sắp tới. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa".
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/14-nam-nua-viet-nam-se-la-nen-kinh-te-lon-thu-20-the-gioi-a148731.html