Phố Wall nhích nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu (17/6), nhưng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hai năm, do tâm lý thị trường bất an với khả năng suy thoái kinh tế ngày càng tăng.
Lạm phát tăng cao liên tục đã khiến các tâm lý giới đầu tư ngày một căng thẳng, khi Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu chuyển hướng từ các chính sách tiền tệ nới lỏng sang các biện pháp thắt chặt, vốn sẽ khiến nền kinh tế chậm lại, có thể gây ra suy thoái.
"Ngay bây giờ, bạn sẽ thấy rất nhiều biến động và chủ yếu do thực tế là Fed sẽ tăng lãi suất trong tất cả các cuộc họp thường kỳ trong năm nay và họ cố gắng đánh giá bức tranh lạm phát nhưng nó đang rất mờ mịt”, Megan Horneman, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Verdence Capital Advisors ở Hunt Valley, Maryland, cho biết.
Hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh trọng tâm của ngân hàng trung ương là đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% khi phát biểu tại một hội nghị.
Dữ liệu kinh tế mới cũng cho thấy sản lượng tại các nhà máy của Mỹ giảm bất ngờ trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế đang suy yếu.
Theo đó, sản lượng sản xuất giảm 0,1% trong tháng 5, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 1, sau khi tăng 0,8% trong tháng 4. Trong khi một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế Reuters đã dự báo sản lượng của các nhà máy sẽ tăng 0,3% trong tháng 5 và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Phiên này, cổ phiếu nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục và trợ lực lớn cho S&P 500 và Nasdaq, với Amazon tăng 2,5%, cổ phiếu Apple, Nvidia, Tesla và Netflix đều tăng hơn 1%.
Trong khi Dow Jones giảm, do chịu áp lực bởi cổ phiếu Chevron, Walmart và Goldman Sachs, nhưng nhờ American Express tăng 4,9% và Boeing tăng 2,6% đã giúp hạn chế đà đi xuống của chỉ số.
Cũng góp phần vào việc giao dịch không ổn định là việc thị trường đã gặp phải tình trạng “quadruple witching”. Điều này xảy ra khi mà cả hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, quyền chọn chỉ số cổ phiếu, các quyền chọn cổ phiếu và hợp đồng tương lai đơn lẻ cùng đáo hạn trong một ngày, xảy ra mỗi quý một lần. Nó thường dẫn đến sự gia tăng khối lượng giao dịch, tạo ra diễn biến giao dịch không ổn định hoặc biến động khi nhà đầu tư đóng các vị thế.
Trong tuần, chỉ số Dow mất 4,79%, mức giảm tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2020, S&P 500 mất 5,79%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, và Nasdaq giảm 4,78%.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones giảm 38,29 điểm (-0,13%), xuống 29.888,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 31,40 điểm (+0,96%), lên 3.316,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 152,25 điểm (+1,43%), lên 10.798,35 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, nhưng đã ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp do hàng loạt các đợt tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn khiến nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,09% lên 403,25 điểm, nhưng kết thúc tuần giảm 4,6%.
Thị trường chứng khoán thế giới nhiều nơi đã có tuần suy giảm mạnh kể từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra vào tháng 3/2020, trước những lo lắng ngày càng tăng về suy thoái kinh tế, sau khi Mỹ và Anh tăng lãi suất, và một động thái bất ngờ nâng lãi suất đầu tiên ở Thụy Sĩ sau 15 năm để dập tắt lạm phát gia tăng.
Thêm vào những lo ngại là lạm phát khu vực đồng euro đã tăng lên mức cao kỷ lục 8,1% vào tháng 5, gấp hơn 4 lần ước tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) qua đó, mở rộng con đường tăng lãi suất vào tháng tới.
Chỉ số STOXX 600 đã giảm khoảng 17,3% trong năm nay do lo lắng về triển vọng kinh tế xấu đi, ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp do giá cả tăng và các biện pháp thắt chặt của các ngân hàng trung ương.
Một số thị trường khu vực châu Âu đang tiến gần hoặc đã đánh dấu mức giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất, một định nghĩa thường được sử dụng về thị trường giá xuống.
Kết thúc phiên 17/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 28,73 điểm (-0,41%), xuống 7.016,25 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 87,77 điểm (+0,67%), lên 13.126,26 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 3,59 điểm (-0,06%), xuống 5.882,65 điểm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lo-lang-ve-suy-thoai-kinh-te-pho-wall-co-tuan-te-nhat-trong-hai-nam-a149954.html