Những nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy, thế giới sinh vật đang trên đà mất cân bằng và sụp đổ. Quả thực, sự sụp đổ nguồn tài nguyên sinh vật, vốn đã và đang xảy ra, được dự báo sẽ diễn tiến với tốc độ ngày một nhanh hơn. Và một khi các tổn hại nối tiếp nhau xảy ra, sự suy giảm đa dạng sinh học sẽ gây ra hậu quả với cường độ mạnh hơn, quy mô lớn hơn.
Bao lâu nay chúng ta vẫn thụ hưởng miễn phí và phụ thuộc vào hệ sinh thái Trái Đất, nhưng chúng đang dần sụp đổ hoặc biến mất hoàn toàn. Thảm họa môi trường sắp tới được dự báo có sức hủy diệt tàn khốc vượt xa vụ nổ Chernobyl hoặc bất cứ thảm kịch nào nhân loại từng gánh chịu.
Sách Chúng ta làm gì với Trái Đất. Ảnh: Sài Gòn Books.
Các nhân chứng tương lai không chỉ mất nhà mất cửa do lũ lụt, mưa bão ngút trời hoặc cháy rừng mùa hè. Chất lượng sống của họ và các thế hệ kế tiếp còn bị thảm họa cấp làm cho suy giảm vĩnh viễn, không thể phục hồi.
Sau khi sự hủy diệt hệ sinh thái toàn cầu bùng phát và qua đi, Trái Đất sẽ tự thiết lập trạng thái cân bằng sinh thái mới. Lúc này, nếu vẫn may mắn sống sót sau thảm họa, loài người sẽ phải sống trên một Trái Đất nghèo nàn tài nguyên sinh vật vĩnh viễn.
Dựa theo cách chúng ta đối xử với Trái Đất, các nhà khoa học chuyên ngành môi trường đã ước đoán được quy mô tàn phá của thảm họa. Từ thập niên 1950, sau Chiến tranh thế giới, nhân loại đã bước vào thời kỳ được gọi là Kỷ Gia Tăng Đột Biến (the Great Acceleration).
Mọi biểu đồ đường minh họa các tác động của con người và thay đổi trên Trái Đất theo thời gian đều thể hiện sự tương đồng một cách đáng kinh ngạc, bất kể chúng được vẽ dựa trên tham số nào.
Phân tích các chỉ số về hoạt động của con người, chúng ta có biểu đồ thể hiện xu hướng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sử dụng năng lượng, sử dụng nước, số lượng đập được xây, sự tăng trưởng của ngành viễn thông, du lịch và sự gia tăng diện tích đất nông nghiệp.
Phân tích những biến đổi môi trường, chúng ta có các đồ thị thể hiện sự gia tăng hàm lượng khí nhà kính (CO2, N2O, CH4) trong khí quyển, nhiệt độ bề mặt, sự axit hóa đại dương, sự biến mất các quần thể cá và diện tích rừng nhiệt đới.
Từ nửa sau của thế kỉ 20, dù đo đạc bằng bất cứ phương pháp nào, các đường biểu diễn dữ liệu trong mọi biểu đồ luôn trông gần như nhau, mọi chỉ số phản ánh xu hướng kinh tế xã hội lẫn thay đổi môi trường đều tăng nhanh chóng mặt, dẫn tới đồ thị dốc lên như một sườn núi dựng đứng hoặc trông giống hệt đường cong ở đầu gậy khúc côn cầu.
Từ biểu đồ này đến biểu đồ khác, tất cả đều giống nhau. Tốc độ phát triển phi mã này chính là bản hồ sơ tóm lược thông tin về sự hiện diện của con người hiện đại.
Nguy cơ Trái Đất sẽ trở thành một sa mạc khổng lồ. Ảnh: Baher Kamal/ Globalissues.
Độ dốc của đồ thị là hình mẫu chung cho giai đoạn lịch sử của Trái Đất mà tôi là nhân chứng, nó cũng là lời giải thích cơ bản và tuyệt vời cho tất cả những thay đổi mà tôi đã trình bày. Câu chuyện về Kỷ Gia Tăng Đột Biến ở góc nhìn thứ nhất chính là lời khai nhân chứng của tôi.
Nhìn vào đồ thị chi chít các đường dốc đứng nằm đè lên nhau, hiển nhiên trong đầu bạn sẽ nảy ra một câu hỏi: “Làm thế nào chúng có thể mãi đi lên được?”. Rõ ràng, câu trả lời là không thể.
Và các nhà vi sinh học biết được sự tăng trưởng trên kết thúc như thế nào, bởi vì họ nắm trong tay một biểu đồ tăng trưởng có khởi đầu tương tự như các đồ thị của Kỷ Gia Tăng Đột Biến.
Họ cấy một lượng nhỏ vi khuẩn vào một đĩa kín, vô trùng và chứa sẵn thức ăn. Đây là môi trường sống hoàn hảo cho vi sinh vật bởi nguồn dinh dưỡng dồi dào và không có sự cạnh tranh từ các loài khác.
Đầu tiên, chúng sẽ trải qua pha tiềm phát (pha lag): giai đoạn vi khuẩn dành thời gian làm quen với môi trường mới, thường kéo dài trong một giờ hoặc vài ngày. Nhưng tại một số thời điểm, pha tiềm phát sẽ đột ngột dừng lại khi vi khuẩn giải quyết được bài toán làm sao tận dụng triệt để các điều kiện thuận lợi trong đĩa nuôi cấy.
Lúc này, chúng bắt đầu sinh sản bằng hình thức trực phân, số lượng vi khuẩn tăng gấp đôi sau mỗi 20 phút. Đây được gọi là pha lũy thừa (pha log), giai đoạn mà số lượng vi khuẩn tăng nhanh theo cấp số nhân. Chúng sinh trưởng và phân chia liên tục, nhanh chóng lan rộng khắp bề mặt thức ăn.
Vi khuẩn thi nhau chiếm giữ lãnh thổ riêng và cướp lấy mọi tài nguyên nó cần. Các nhà sinh thái học gọi đây là cạnh tranh giành giật, mọi tế bào vi khuẩn chỉ biết ích kỷ tranh đoạt cho bản thân. Trong môi trường khép kín với nguồn tài nguyên hữu hạn như đĩa nuôi cấy, cạnh tranh kiểu này sẽ dẫn đến kết cục không mấy tốt đẹp.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/he-sinh-thai-dang-mat-can-bang-nghiem-trong-a150498.html