Chia sẻ với PV Dân Việt sáng nay 21/6, ông Lê Huy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, hiện nay chi phí xăng dầu chiếm 30% chi phí vận tải, giá xăng dầu từ đầu năm đến nay tăng liên tiếp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp Logistics.
"Nếu giá xăng dầu tăng tiếp tục từ nay đến cuối năm, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp logistics chỉ hết quý III, họ không thể chịu được nữa bởi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang trên đà hồi phục", ông Hiệp nhấn mạnh.
Chia sẻ về trách nhiệm quản lý giá và hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, việc giá xăng tăng cao hiện nay cần hành động quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ để giúp nền kinh tế không đứt mạch phục hồi.
"Tôi không quan tâm đến các giải pháp các cơ quan chức năng đưa ra để bình ổn và hạ nhiệt giá xăng dầu, chỉ quan tâm đến hiệu quả trên thị trường. Áp lực giá xăng dầu đang rất lớn đối với nền kinh tế, doanh nghiệp vận tải", ông Thanh gợi mở vấn đề.
Theo ông này, hiện rất nhiều doanh nghiệp vận tải không muốn duy trì chặng, tuyến do vừa trải qua khó khăn sau 2 năm Covid-19, nay gánh nặng chi phí xăng dầu quá lớn, khiến họ thua lỗ, ăn vào vốn.
"Tình trạng lãng công đang xuất hiện ở một số doanh nghiệp xe. Anh em không muốn chạy xe nữa", ông Thanh nêu.
Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, trước mắt nên đưa ngân sách để hỗ trợ cho xăng dầu để cứu người dân và doanh nghiệp, các nước cũng làm điều tương tự.
"Tất nhiên chúng ta làm theo thời điểm thôi, chứ không phải làm hết năm. Ngân sách Nhà nước được hưởng lợi từ xuất dầu thô, bỏ tiền đầu tư lọc hoá dầu. Giờ xăng dầu trong nước tăng sốc, người dân gánh quá nặng. Các doanh nghiệp lọc hoá dầu trong nước không thể hiện được trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước trong lúc quá khó khăn như hiện nay'', ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, nếu xăng dầu tăng tiếp tục, chúng ta cứ bắt người dân và doanh nghiệp chịu mãi gánh nặng này hay sao?
"Phải làm cách nào để giảm khó khăn cho người dân chứ không thể để như hiện nay được, chúng ta đang đẩy mạnh đà phục hồi kinh tế, đẩy mạnh du lịch và giao dịch", ông Thanh nhấn mạnh.
"Tôi cho rằng, giảm thuế môi trường, quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua không thấm vào đâu. Cần phải làm quyết liệt vì người dân, chi phí xăng đã và đang tác động rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp rồi", nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải Việt Nam cho hay.
Về lý do không giảm thuế vì thẩm lậu sang các nước xung quanh, theo ông Thanh không thể đưa ra biện minh cho việc bình ổn giá xăng được.
"Chống buôn lậu và việc phải làm của cơ quan quản lý thị trường, hải quan, công an, biên phòng đừng lấy lý do buôn lậu xăng dầu để chối từ giảm thuế phí, hỗ trợ giá xăng dầu", ông Thanh nói.
Ông Thanh cho rằng, việc Malaysia hỗ trợ giá xăng (dù cho chỉ một số loại xăng được sử dụng nhiều), cho thấy họ đã có nỗ lực. Vậy phải đặt câu hỏi tại sao họ không đưa vấn đề buôn lậu xăng dầu ra để bào chữa? Chẳng nhẽ họ không có biên giới với quốc gia nào?
"Cái cốt yếu nhất là phải quản lý Nhà nước về các nghiệp vụ liên quan đến giá xăng và phải quản lý xăng dầu ở biên giới, trên biển. Bên cạnh đó, không thể đem so giá xăng dầu của Việt Nam với các nước trong khu vực bởi thu nhập bình quân của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước, khả năng chi trả cho xăng dầu/chi phí vận tải, vận chuyển quá cao sẽ kìm hãm sự phát triển", ông Thanh phân tích.
Trả lời báo Dân Việt, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Người dân đã đóng góp rất đầy đủ các loại thuế phí, bây giờ trong tình hình hiện nay cả thế giới khó khăn như hiện nay, Chính phủ, Quốc hội phải có quyết sách, mạnh tay giảm thuế phí để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
"Tình hình này, xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng giá do xung đột Nga - Ukraine, khả năng phục hồi kinh tế Trung Quốc. Không nên đặt vấn đề thuế thu để bảo đảm ngân sách bởi cần ưu tiên an dân, phục hồi kinh tế", ông Liên nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gia-xang-dau-tang-soc-giam-thue-khong-tham-doanh-nghiep-gan-het-gioi-han-chiu-dung-a150532.html