Thu nhập từ tiền lương của người lao động có thể không được cải thiện trong khi học phí chắc chắn sẽ tăng khi năm học mới bắt đầu...

Thu nhập từ tiền lương của người lao động có thể không được cải thiện trong khi học phí chắc chắn sẽ tăng khi năm học mới bắt đầu...

Những khoản tiết kiệm của người dân bị bào mòn sau hai năm dịch bệnh. Vừa gượng dậy, bão giá ập đến. Lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6% từ 1.7 theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP (NĐ38), học phí công lập tăng bằng lần từ niên học 2022-2023. Nhân dân cần lao xây xẩm mặt mũi.

Đáng tiếc, tăng lương tối thiểu vùng chỉ có ý nghĩa với lao động giản đơn. Điều 91 khoản 1 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa “mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.

Lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động thỏa thuận, trả lương cho người lao động nhưng bắt buộc phải bảo đảm “cao hơn ít nhất so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề…” theo Điều 5 khoản 1 điểm b Nghị định 90/2019/NĐ-CP (sẽ hết hiệu lực từ 1.7 sau khi NĐ38 có hiệu lực).

Ảnh minh họa: Quéo/thanhuytphcm.vn

Thực tế, đại đa số người lao động tại doanh nghiệp đều trải qua đào tạo, trang bị kỹ năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Theo NĐ38, lương tối thiểu vùng tăng 6% (dao động từ 180.000 đồng/tháng đến 260.000 đồng/tháng tùy theo vùng do Chính phủ quy định). Xem xét trường hợp TP.HCM thuộc vùng I. Lương tối thiểu vùng tăng 260.000 đồng từ mức 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng, lại thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua đào tạo mà doanh nghiệp đang áp dụng theo NĐ90 là 4.729.400 đồng/tháng trong khi NĐ38 đã loại điều kiện ràng buộc lương thỏa thuận phải “cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng”. Công đoàn, trong trường hợp này, phải chăng đã bị tước "vũ khí" pháp lý để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động đã qua đào tạo trong trường hợp người sử dụng lao động không tăng lương. Thiết kế chính sách không đủ độ rộng đối với phần lớn người lao động đã qua đào tạo, lực lượng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng năng suất lao động.

Thu nhập từ tiền lương của người lao động có thể không được cải thiện trong khi học phí chắc chắn sẽ tăng khi năm học mới bắt đầu. Tiếp tục xem xét trường hợp TP.HCM. Dù dự thảo Nghị quyết về tăng học phí mà Sở Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến lựa chọn mức sàn theo quy định tại NĐ81/2021/NĐ-CP thì mức học phí vẫn tăng đáng kể so với niên học trước. Mức tăng mạnh nhất ở bậc trung học cơ sở, từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng đối với học sinh thuộc khu vực thành thị, tương ứng 500%.

Con em của người lao động không thể không đến trường. Học tập là quyền và nghĩa vụ của trẻ em (Điều 39 Hiến pháp). Giáo dục công lập là công cụ để nhà nước “cưỡng bức” giáo dục. Tăng học phí giáo dục công lập, nhất là trong bối cảnh cả nước vừa “ốm dậy”, xung đột với mục tiêu này.

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu (Điều 4 khoản 1 Luật Giáo dục 2019), ưu tiên bố trí ngân sách cho giáo dục được luật hóa tại Điều 96 khoản 1 của Luật này: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”. Nhìn lại năm 2021, chi ngân sách của toàn ngành giáo dục chỉ đạt 17,4%, thấp hơn mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định của luật. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ chi ngân sách cũng không đạt chỉ tiêu, dao động trong khoảng 17,4% đến 18,5% tổng chi ngân sách nhà nước*.

Là người đứng đầu ngành giáo dục, thành viên của cơ quan lập pháp đại biểu cao nhất của Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nên tham mưu cho Chính phủ, thuyết phục Quốc hội chi đủ ngân sách cho giáo dục, thay vì đề nghị Chính phủ tăng học phí. Bản chất, nó là một loại thuế thu nhập đánh vào túi tiền của nhân dân.

Ngân sách thực chất là tiền thuế của nhân dân.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thu-nhap-tu-tien-luong-cua-nguoi-lao-dong-co-the-khong-duoc-cai-thien-trong-khi-hoc-phi-chac-chan-se-tang-khi-nam-hoc-moi-bat-dau-a151145.html