Giá xăng dầu tại một trạm bán xăng dầu ở Seoul, Hàn Quốc ngày 27/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ hai thế giới, đã ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng toàn cầu khiến giá dầu thô thế giới liên tục biến động mạnh trong nửa đầu năm nay và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đối với người tiêu dùng, điều đó có nghĩa là thời gian giá nhiên liệu đắt đỏ sẽ kéo dài hơn, còn đối với nền kinh tế, điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ tăng cao hơn, đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Cơn bão” giá bất ngờ
Sau khi tăng hơn 50% trong năm 2021, mặc dù được dự đoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022, nhưng giá dầu thế giới vẫn khiến các nhà đầu tư đi hết từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác khi liên tục xác lập “đỉnh” mới.
Đứng trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, nhân tố chính chi phối nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong hai năm qua, nhiều chuyên gia đã dự đoán giá dầu thế giới sẽ đạt mức trung bình 70-75 USD/thùng trong năm 2022, trước khi có thể chạm mức 80-85 USD/thùng vào năm 2023.
Thậm chí, một số tổ chức tư vấn dự báo nhu cầu dầu mỏ trong quý I/2022 sẽ tạm thời suy giảm do chịu cú sốc từ biến thể Omicron dễ lây lan trên quy mô lớn. Tuy nhiên, điều ít người ngờ tới nhất là khi quý I/2022 còn chưa kết thúc, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine hồi cuối tháng 2/2022 có thể được coi là diễn biến khởi đầu cho một tình hình nghiêm trọng hơn tại châu Âu và tác động mạnh tới thị trường năng lượng toàn cầu.
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nước này cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, chiếm khoảng 35% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già”.
Các chuyên gia cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn cho người tiêu dùng.
Giá dầu khởi đầu năm 2022 ở mức trên 70 USD/thùng. Đến ngày 24/2, khi xung đột Nga - Ukraine chính thức xảy ra, giá dầu đã tiến sát 100 USD/thùng. Thị trường sau đó bắt đầu “leo dốc”, có thời điểm tăng 18% chỉ trong vài phút, lên 139 USD/thùng phiên 7/3 do thông tin Mỹ sắp cấm nhập khẩu dầu Nga. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008.
Tình thế sau đó đảo chiều nhanh chóng. Giá dầu Brent giảm 30% chỉ trong một tuần, về dưới 100 USD/thùng vào ngày 16/3, nhờ kỳ vọng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng sản lượng dầu. Bên cạnh đó, nhu cầu từ Trung Quốc cũng được dự báo giảm do các lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Thị trường sau đó liên tục trồi sụt vì các thông tin Mỹ xả kho dự trữ dầu, Trung Quốc nới lỏng phong tỏa, nguồn cung từ Nga giảm hay châu Âu cấm vận dầu Nga. Từ đầu tháng Sáu này, giá dầu Brent ổn định quanh mốc 120 USD/thùng - cao nhất kể từ năm 2012 và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng xoay quanh mốc này.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy), nhận xét: "Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong hàng thập kỷ qua và sự bất ổn trên các thị trường năng lượng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay”.
“Cuộc rượt đuổi” của giá xăng và lạm phát
Hàng dài phương tiện chờ đổ xăng tại trạm xăng Pemex ở Zapopan, bang Jalisco (Mexico). Ảnh: AFP/TTXVN
Giới phân tích nói rằng, người tiêu dùng Mỹ đang phải trải qua những ngày “đau ví” ở trạm xăng. Trên thực tế, giá cả đã tăng mạnh kể từ tháng 4/2020, khi cú sốc của đại dịch COVID-19 khiến giá xăng xuống dưới 1,8 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít).
Sau đó, giá xăng tăng lên 3 USD/gallon vào tháng 5/2021 và vượt qua 4 USD/gallon vào tháng 3/2022. Tới ngày 11/6/2022, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ leo lên mức hơn 5 USD/gallon, gần gấp đôi mức giá trong đại dịch.
Điều đó có nghĩa là giá xăng trung bình tăng 18 xu Mỹ trong một tuần và cao hơn 1,92 USD so với thời điểm này năm ngoái. Mức giá xăng trung bình ở các tiểu bang dao động từ 6,43 USD/gallon (ở bang California) đến 4,52 USD/gallon (ở bang Mississippi).
Giá dầu tăng kỷ lục khiến giá xăng cũng trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu. Từ Mỹ, Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan..., giá xăng liên tiếp lập đỉnh khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Theo Global Petrol Prices, xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi có giá xăng đắt nhất thế giới là Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), với hơn 11 USD/lít xăng. Đổ đầy bình xăng một chiếc ô tô cỡ nhỏ ở đây cũng có thể tốn hơn 100 USD.
Các nước châu Âu cũng thuộc nhóm có giá xăng cao nhất hành tinh. Phần lớn người dân các nước Tây Âu đều đang phải mua xăng với giá từ 6 USD/gallon trở lên. Các nước dẫn đầu là Iceland (Ai-xơ-len), Phần Lan, Hy Lạp, Đan Mạch và Na Uy.
Đông Á là nơi có giá xăng đắt đỏ thứ nhì thế giới, sau châu Âu. Giá xăng tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan – những nước tiêu thụ dầu lớn, nhưng không sản xuất được nhiều dầu – dao động từ 1,4-1,6 USD/lít.
Hãng tin AP cho biết, đã xuất hiện những tranh luận nội bộ tại Mỹ về giá xăng tăng. Một số cho rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến giá xăng tăng cao. Còn Đảng Dân chủ của Mỹ lại cho rằng các công ty dầu mỏ cố tình đẩy giá xăng tăng cao.
Các chuyên gia năng lượng ước tính, giá xăng cứ tăng thêm một xu Mỹ thì người dân Mỹ sẽ lại tiêu tốn thêm 4 triệu USD mỗi ngày. Các nhà phân tích dự đoán giá xăng sẽ tiếp tục tăng cho đến khi nhu cầu dùng xăng của người dân giảm đi, nhưng không ai biết chính xác đó là thời điểm nào.
Trong bối cảnh kỳ nghỉ Hè đang cận kề, người dân Mỹ, vốn ưa chuộng du lịch bằng ô tô, vẫn chứng kiến giá năng lượng tiếp tục tăng cao. Khó có thể dự đoán được liệu giá xăng cao kỷ lục tại Mỹ có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong mùa Hè này hay không, song điều chắc chắn là các nhà máy lọc dầu sẽ khó có thể tăng mạnh nguồn cung trong ngắn hạn.
Nguyên nhân là một số nhà máy lọc dầu của Mỹ đã ngừng hoạt động trong những năm gần đây hoặc chuyển sang sản xuất nhiên liệu khác. Điều này làm suy giảm công suất lọc dầu của Mỹ và làm trầm trọng thêm những tác động mà giá dầu thô cao gây ra trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, qua đó gây thêm áp lực cho người tiêu dùng, vốn đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt leo thang, bao gồm thực phẩm, nhà ở, ô tô và dịch vụ y tế.
Một số nhà phân tích cho rằng, giá dầu tăng vọt và khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ là mối đe dọa gây ra siêu lạm phát.
Tác động này có thể dẫn đến sự mất giá của đồng USD và giá dầu có thể vượt quá 180 USD/thùng vào năm 2022. Các ngân hàng trung ương ở một số nền kinh tế phát triển đang cảnh giác vì lạm phát gia tăng khiến giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Giới phân tích cảnh báo lệnh cấm của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga có thể đẩy giá dầu và thực phẩm, vốn tăng “phi mã”, lên cao hơn nữa, điều có thể gây ra tình trạng suy thoái nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Theo phân tích của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) về lạm phát ở 111 nước, tỷ lệ lạm phát trung bình trong 12 tháng qua (từ tháng 6/2021 tới tháng 5/2022) là 7,8%, tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó (3%), chủ yếu do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt.
Giá lương thực tăng - liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine, nước sản xuất nông nghiệp lớn - đang gây ra tình trạng thiếu hụt ở nhiều nước đang phát triển. Trong khi đó, giá nhiên liệu tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá xăng tăng gần 50% trong một năm qua.
Cân bằng thị trường- Tương lai xa vời
Các bể chứa dầu của công ty Lukoil tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay cả từ 3-6 tháng trước, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa diễn ra, đã có rất ít chuyên gia tin rằng thị trường dầu trên thực tế sẽ ở trạng thái cân bằng.
Vào tháng 2/2022, chuyên gia Ed Morse của tập đoàn tài chính Citi dự báo rằng, thị trường dầu mỏ sẽ thậm chí sẽ ở trạng thái dư thừa cung nhờ sản lượng tăng ở Mỹ, Brazil và Canada.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gần đây dự báo sản lượng dầu ở khu vực Permian sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này.
Tuy nhiên, điều đó không đủ để bù đắp sự mất cân bằng dầu toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất dầu tại Mỹ cho biết họ không muốn - hoặc không thể thúc đẩy sản xuất vì thiếu hụt các nguồn lực cần thiết.
Tại Canada, sản lượng dầu đang tăng cao nhưng chưa thể đạt mức 1 triệu thùng/ngày như Thủ hiến của bang Alberta, Jason Kenney đã dự báo. Tại Brazil, sản lượng dầu cũng đang tăng lên nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo ra được sự khác biệt về giá cả.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 3/2022 cảnh báo rằng, thế giới đang đối mặt với nguy cơ diễn ra cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất nhiều thập kỷ. Các nước châu Âu và Bắc Mỹ từ nhiều năm nay đã chuyển hướng sang năng lượng sạch. Vì thế, họ rất lưỡng lự tăng sản xuất dầu để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
Còn Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, từ lâu cũng gặp khó khăn khi duy trì mục tiêu sản lượng, chứ chưa nói đến tăng lên, chủ yếu do vấn đề kỹ thuật và năng lực.
Và tất nhiên, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu hiện nay là các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, quốc gia xuất khẩu dầu và nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Citi mới đây đã nâng dự báo giá dầu trong năm nay và triển vọng giá trung bình cho năm 2023, khi nguồn cung bổ sung từ Iran có khả năng bị trì hoãn lâu, khiến tình hình cung cầu trên thị trường bị mất cân bằng hơn nữa.
Trước sự thắt chặt hơn nữa của thị trường, Citi đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý II/2022 thêm 14 USD, lên 113 USD/thùng, và mức giá dự đoán cho quý III và quý IV năm nay cũng được tăng thêm 12 USD, lên lần lượt 99 USD và 85 USD. Citi dự đoán giá dầu Brent trung bình ở mức 75 USD/thùng trong năm 2023, tăng 16 USD so với dự báo trước đó.
Theo các chuyên gia từ Rystad Energy, các biện pháp trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây đối với Nga, sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt khoảng 4,3 triệu thùng/ngày, một con số không thể nhanh chóng được thay thế bằng các nguồn cung khác. Như vậy, thị trường sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn cung lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi giá dầu tăng gấp đôi.
Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) nhận dự báo giá dầu Brent kỳ hạn tại thị trường London sẽ đạt mức trung bình 140 USD/thùng trong quý III/2022, từ mức dự báo trước đó là 125 USD/thùng.
Goldman Sachs thậm chí nói rằng, giá bán lẻ xăng trong mùa Hè năm nay cần phải tăng lên mức phù hợp với giá dầu 160 USD/thùng mới có thể kéo được nhu cầu đi xuống. Do vậy, một đợt tăng giá xăng mạnh trong mùa Hè này là rất có thể xảy ra.
Goldman Sachs nhấn mạnh, tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường có thể sẽ còn kéo dài trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung dầu thô từ Nga cho thị trường quốc tế sẽ suy giảm mạnh hơn dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ hồi phục khi nước này đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch đã kéo dài hơn hai tháng qua. Dự báo trên cho thấy, điều tồi tệ nhất còn chưa đi qua đối với người tiêu dùng vốn đang trầy trật vì giá cả tăng cao trên toàn cầu./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/con-bao-gia-dau-va-nhung-he-luy-doi-voi-nen-kinh-te-toan-cau-a151356.html