Vé máy bay 'té nước' theo xăng

Dù các hãng hàng không liên tục tăng chuyến nhưng giá vé máy bay vẫn bị đẩy lên rất cao do nhu cầu đi lại của người dân và giá nhiên liệu cao kỷ lục.

Thời điểm hiện tại, lên mạng tìm vé máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... cho các chuyến bay đến các địa điểm du lịch nội địa vào cuối tháng 6, và tháng 7, hành khách không khỏi bất ngờ khi giá vé “nhảy múa” theo từng ngày.

Vé máy bay 'té nước' theo xăng - 1

Giá vé máy bay đi nội địa, nhất là các điểm du lịch tăng từng ngày.

Cụ thể, vé khứ hồi đường bay Hà Nội - Đà Nẵng (đã gồm thuế phí) của Vietnam Airlines dao động từ 3 - 5 triệu đồng, Bamboo Airways, khoảng 3 - 4 triệu đồng tùy giờ bay, Vietjet Air thấp hơn một chút song cao hơn nhiều so với hồi đầu năm hoặc cùng thời điểm những năm trước.

Tương tự, đường bay Hà Nội - Phú Quốc, giá vé của Vietnam Airlines và Bamboo Airways dao động từ 4 - 10 triệu đồng một cặp vé khứ hồi, Vietjet thấp hơn 1 chút cũng trong khoảng từ 3 - 7 triệu đồng/khứ hồi.

Với đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé của Vietnam Airlines cao nhất tới 11 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi, Bamboo Airways khoảng 10 triệu đồng và Vietjet Air là 7 triệu đồng.

Theo đại diện một số hãng bay, giá vé tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao sau dịch COVID-19 và giá nhiên liệu đắt đỏ. Đáng chú ý, dù giá vé cao ngất, nhưng hầu hết các hãng hàng không cho biết đang đứng trước nguy cơ mất hàng nghìn tỷ đồng do giá xăng liên tục lập đỉnh.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng mạnh. Từ đầu năm, có thời điểm giá dầu thế giới lên tới 161 USD/thùng, trong khi giá bình quân 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng. Với mức tăng hơn gấp đôi này, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động rất mạnh, càng bay nhiều thì chi phí càng lớn và số lỗ càng nhân lên.

Theo tính toán, chỉ cần với 1 USD/thùng/năm tăng hoặc giảm thì chi phí tăng hoặc giảm sẽ tương ứng 87 tỷ đồng/năm. Hiện, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I/2022 chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới.

Trước sức ép của giá xăng dầu, Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa và cho phép các hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu với các chặng bay nội địa theo thông lệ của hàng không quốc tế trước đây khi giá nhiên liệu biến động. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện đang áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không.

Tương tự, Vietravel Airlines, đánh giá, chi phí nhiên liệu biến động là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không, thậm chí một số hãng có thể phải dừng bay nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao.

Vietravel Airlines trước đó cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Theo doanh nghiệp này, ngành hàng không hiện đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch. Từ đó, Vietravel Airlines đề xuất đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường.

Bamboo Airways cũng cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của tất cả các hãng bay trong nước. Đây là là điều bất lợi khi đang trên đà phục hồi sau dịch.

Hàng không rầm rộ tăng chuyến

Vietnam Airlines cho biết hãng đã lên kế hoạch tăng chuyến nhằm phục vụ cao điểm hè của mình. Theo đó, từ ngày 1/6 - 15/8, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) sẽ cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay.

Trong số đó, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 6,3 triệu chỗ thị trường nội địa, tương ứng hơn 32.400 chuyến bay, tăng 10% so với cùng kỳ trước đại dịch COVID-19 là năm 2019. Các đường bay nhộn nhịp nhất là giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với gần 160 chuyến bay mỗi ngày kết nối các thành phố này.

Ngoài ra, mỗi ngày cũng sẽ có hàng trăm chuyến bay kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trên toàn quốc như: Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn, Đồng Hới, Tuy Hòa, Côn Đảo…Vietnam Airlines Group sẽ khai thác xấp xỉ 430 chuyến bay nội địa mỗi ngày trong dịp cao điểm hè.

Vietravel Airlines cũng cho biết, sẽ tăng mỗi ngày thêm 2 chuyến Hà Nội - TP.HCM, 2 chuyến Hà Nội - Đà Nẵng, một chuyến Hà Nội - Quy Nhơn, 1 - 2 chuyến chặng TP.HCM - Đà Nẵng/Quy Nhơn/Phú Quốc.

Theo hãng này, các chuyến bay nội địa trong thời gian từ tháng 6 - 8 đã lấp đầy trên 80%. Các chuyến Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Phú Quốc được quan tâm nhiều nhất.

Bamboo Airways cũng quyết định tăng 15% số chỗ so với hiện tại, chủ yếu trên các đường bay đến các điểm du lịch Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... và đường bay trục Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng.

"Chúng tôi đã chủ động bố trí các chuyến bay muộn sau 19h đến các điểm du lịch và đưa khách về từ các điểm du lịch sau 21h. Các sản phẩm bay đêm sẽ góp phần giảm ùn ứ tại sân bay dịp cao điểm", đại diện Bamboo Airways thông tin.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ve-may-bay-te-nuoc-theo-xang-a151506.html